Điểm sàn chênh cao so với điểm chuẩnThông thường, các ngành khối trường quân đội luôn có điểm chuẩn cao nhưng mới đây trường Sĩ quân Công binh, Sĩ quan Thông tin, Sĩ quan Phòng hóa đều đưa ra mức điểm sàn năm 2019 là 15, áp dụng chung cho khối A00 và A01 khiến nhiều TS ngỡ ngàng. Những trường ĐH tốp hai, năm nay tiếp tục đưa ra điểm sàn ở mức tương đương năm trước, chỉ xoay quanh con số 13 - 15. Cụ thể, ĐH Công đoàn ngưỡng điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển là 14 áp dụng cho ngành Bảo hộ lao động, Quan hệ lao động, Xã hội học, Công tác xã hội; 4 ngành có mức điểm sàn 15, bao gồm Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng. ĐH Thủy lợi cũng đưa ra ngưỡng điểm sàn 14 cho 19 ngành đào tạo bằng tiếng Việt, 3 ngành có mức điểm sàn 15 và 1 ngành 16 điểm. ĐH Lâm nghiệp áp dụng mức điểm sàn 15 (khối A, B, C, D) cho 32 ngành đào tạo ĐH bằng tiếng Việt tại cơ sở chính và 16 ngành đào tạo tại Phân hiệu ở tỉnh Đồng Nai.
Điểm thi THPT Quốc gia 2019 cao hơn năm trước, nhưng mức điểm sàn các trường đưa ra thấp khiến nhiều TS bối rối, không biết có nên lựa chọn. Em Ngô Thị Thu Hương (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho rằng, các trường công bố điểm sàn thấp “gây nhiễu”, làm khó TS lựa chọn nguyện vọng và chọn trường. Em Hoàng Đức Hiếu đến từ THPT chuyên Bắc Giang nhận xét, điểm sàn thấp, rất có thể điểm chuẩn cao là cú sốc với những TS chỉ hơn sàn 1 - 2 điểm. Thực tế năm 2018 cho thấy, nhiều trường cũng đưa ra mức điểm sàn rất thấp khiến nhiều TS có điểm cao hơn vài điểm đăng ký. Nhưng sau đó, TS "ngã ngửa" khi điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn rất nhiều. Đơn cử, năm 2018, ĐH Công đoàn công bố mức điểm nhận hồ sơ 15 nhưng điểm trúng tuyển ngành Luật tới 20, Kế toán 18,80. ĐH Văn hóa Hà Nội có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2018 là 15 điểm nhưng điểm trúng tuyển ngành Du lịch và Thư viện 25 điểm, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành 24, 75 điểm, Liên thông thư viện 25 điểm. ĐH Văn Lang quy định mức điểm sàn ngành Ngôn ngữ Anh 15 điểm nhưng điểm trúng tuyển lên tới 29; ngành Đông Phương học điểm sàn cũng 15, tuy nhiên điểm chuẩn lên tới 22.
Đừng vì sàn thấp mà thay đổi nguyện vọngThời gian này, nhiều TS đang đau đầu vì phải cân nhắc từng nguyện vọng (NV) trước khi có quyết định điều chỉnh lần cuối cùng, lại càng băn khoăn nếu lựa chọn những trường có mức điểm sàn thấp. Điều TS mong muốn đó là điểm sàn các trường ĐH công bố sát thực với điểm chuẩn nhằm giúp các em có quyết định đúng khi chọn ngành. Ông Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, trường ĐH Thủy lợi dự đoán, qua số liệu đăng ký xét tuyển, điểm chuẩn sẽ nhích lên từ 0,25 - 0,5 điểm, tùy theo từng ngành. Còn PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội khuyên TS đừng vì điểm sàn thấp mà nhanh chóng thay đổi NV gây ra sự xáo trộn về tâm lý. Các trường ĐH khi xét tuyển sẽ xem xét NV1 của TS, sau đó mới đến các NV tiếp theo. Vì vậy, không nên thay đổi NV vì thấy điểm sàn thấp, mà trên cơ sở điểm thi đạt được và đặt NV 1 là ngành nghề mình yêu thích nhất. Cùng quan điểm, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài Chính Nguyễn Đào Tùng khuyên TS cố gắng giữ NV cũ, bổ sung NV mới. TS có thể thay đổi NV1 với NV2 chứ không nên bỏ NV. Để tránh tình trạng quên hoặc không biết bản nào là cuối cùng, khi chốt NV, TS nên chụp lại hoặc in ra.
Ngưỡng điểm sàn chỉ có ý nghĩa cho TS có đủ năng lực theo học bất kỳ ngành ĐH nào. Từ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thị Hảo - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, sự khác nhau của các trường dựa vào số lượng TS quan tâm đến. Chẳng hạn, khi có rất nhiều TS quan tâm đến trường ĐH A, rất có thể ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được đưa ra ở mức cao. Ngược lại, trường có số lượng TS quan tâm ít, điểm sàn được công bố ở mức thấp hơn. Bà Hảo cho rằng, khi trường đưa ra mức điểm sàn thấp không làm học sinh “chết oan” bởi Bộ GD&ĐT cho phép TS có nhiều NV. Tuy nhiên, TS nên căn cứ vào điểm chuẩn các năm trước để đặt NV1, 2... Trong trường hợp NV1 là mong muốn lớn nhất không đạt được, TS vẫn có cơ hội ở các NV tiếp sau mà vẫn đáp ứng điều kiện của mình.