“Điểm sáng” trên bức tranh màu xám của thị trường chứng khoán

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên bức tranh xám xịt nhiều phiên gần đây, thị trường chứng khoán vẫn có những tia sáng hiếm hoi để nhà đầu tư có thể hy vọng. Đó là việc khối ngoại tích cực mua vào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài

Kết thúc phiên 19/4, thị trường nối tiếp đà giảm lên thành 4 phiên liên tiếp. VN-Index giảm 26,15 điểm (-1,83%) xuống 1.406,45 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 371 mã giảm (98 mã giảm sàn), 32 mã tham chiếu, 101 mã tăng. HNX-Index giảm 10,43 điểm (-2,59%) xuống 392,69 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tiêu cực với 183 mã giảm (52 mã giảm sàn), 29 mã tham chiếu, 68 mã tăng (6 mã tăng trần).

Trên bức tranh xám xịt của thị trường chứng khoán (TTCK) những phiên gần đây, “chiếc phao” hiếm hoi mà nhà đầu tư có thể lạc quan là việc khối ngoại vẫn mua vào. Phiên 19/4, khối ngoại mua ròng trên HOSE với 275 tỷ đồng, tương ứng khối lượng ròng 10,6 triệu cổ phiếu. DPM là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với 93,6 tỷ đồng. Tiếp theo là GEX với 85,3 tỷ đồng và KBC với 61,1 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là DGC với 135,5 tỷ đồng. Tiếp theo là SSI với 75 tỷ đồng. Phiên 18/4, trên HOSE, khối ngoại mua ròng khoảng 7 tỷ đồng. Điều này cũng thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với TTCK Việt Nam cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong phục hồi kinh tế.

Kỳ vọng hồi phục trong phiên giao dịch 20/4

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường lao dốc phiên 19/4 là do tâm lý giao dịch có phần hoảng loạn của nhà đầu tư. Ngoài ra, cũng có thể có thêm hiện tượng call margin ở nhiều nhóm cổ phiếu càng làm cho tình hình giao dịch trên thị trường trở nên tiêu cực.

Nhận định về phiên 20/4, các chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS đánh giá, thị trường đã có 4 phiên giảm điểm liên tiếp, điều này thậm chí còn tiêu cực hơn giai đoạn trước đó với chuỗi 3 phiên giảm (7/4, 8/4, 12/4). Tuy nhiên, với việc VN-Index đã lui về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.400-1.425 điểm (đáy tháng 12/2021) thì có thể kỳ vọng vào một sự hồi phục trong phiên giao dịch 20/4 nếu như lực cầu bắt đáy là tốt.

“Với trạng thái tâm lý thị trường như hiện tại, theo thống kê, thị trường rất có thể sẽ sớm hình thành đáy ngắn hạn và hồi phục. Do đó chúng tôi cho rằng nhà đầu tư không nên tiếp tục bán ra ở phiên tiếp theo 20/4, bởi thị trường có thể sớm hồi phục trở lại. Nhà đầu tư nếu đã mua vào trong vùng hỗ trợ 1.400-1.425 điểm (đáy tháng 12/2021) tiếp tục nắm giữ danh mục và có thể gia tăng tỷ trọng nếu thị trường chiết khấu về các vùng giá hấp dẫn hơn” - chuyên gia SHS khuyến nghị.

Thông tin từ Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh.

Xu hướng chốt lời cùng với tác động của một số thông tin bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán và tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới khiến TTCK Việt Nam trải qua một vài phiên điều chỉnh.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 vẫn tiếp tục tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước. Về quy mô giao dịch TTCK Việt Nam hiện đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 trong ASEAN sau Thái Lan, giá trị giao dịch bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước

Nhằm đảm bảo TTCK tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch, trong năm 2022, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý. Tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số mới nhằm phục vụ triển khai sản phẩm mới cho thị trường phái sinh. Thực hiện phân mảng thị trường theo nguyên tắc không làm xáo trộn, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục và ổn định của thị trưởng.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, qua đó góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả.

Thứ sáu, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch, thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Đọc tiếp