Điểm tựa để thoát nghèo

Thủy Trúc - Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Theo đánh giá từ Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo Hà Nội, các chương trình, chính sách giảm nghèo đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo cũng như tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ an sinh xã hội.

Đáng nói trong đó là việc hỗ trợ vốn vay cho các hộ nghèo ở ngoại thành. 
Trợ lực kịp thời
5 năm từ 2011 - 2015, Hà Nội đã ủy thác 422,8 tỷ đồng sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn theo các chương trình giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vay chăn nuôi, vay xây dựng nhà ở. Vì thế, 620.786 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ vay vốn với số tiền trên 7.800 tỷ đồng. Chưa kể 58.927 lượt học sinh, sinh viên vay 670 tỷ đồng và nhiều chương trình vay vốn đối với hộ khó khăn khác. Tính riêng 9 tháng của năm 2016, Sở LĐTB&XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội TP cũng đã cho trên 20.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ T.Ư và địa phương. Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hoàng Liên Sơn cho biết, thông qua chương trình tín dụng chính sách, góp phần thu hút trên 18.000 lao động. Đồng thời, giúp cho 3.000 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, cho vay xây dựng mới và cải tạo trên 30.000 công trình nước sạch, VSMT nông thôn. 

Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục cho người dân vay vốn tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.  Ảnh: Trần Việt

Phải nói rằng, nguồn vốn vay này đã trợ lực kịp thời cho người dân ngoại thành, đặc biệt là người làm nông nghiệp khi liên tục đối mặt với thời tiết bất lợi, dịch bệnh phức tạp. Ví như ở xã thuần nông Cổ Đô của huyện Ba Vì, người nông dân đã tận dụng được vốn vay để phát triển kinh tế trang trại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Đô cho biết, Hội đã tạo điều kiện cho 150 hộ vay vốn với tổng số tiền 1 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện Ba Vì nhận ủy thác nguồn vốn vay 2,5 tỷ đồng cho hơn 180 lượt hộ vay vốn. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn xã Cổ Đô đã hình thành nhiều trang trại quy mô lớn, cho thu nhập 200 – 400 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Hữu (thôn Viên Châu), hộ ông Phan Văn Thủy (thôn Cổ Đô)…
Tiếp tục làm “điểm tựa”
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội TP chia sẻ, trong những tháng cuối năm 2016 này, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND TP bố trí nguồn vốn ủy thác khoảng 500 tỷ đồng để cho vay thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn từ tổ chức, dân cư trên địa bàn; triển khai cho vay quay vòng nhanh vốn thu hồi và vốn được bổ sung mới để đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với hội đoàn thể nâng cao chất lượng ủy thác cho vay, nâng cao chất lượng hoạt động của điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, trong công tác cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, có tới hơn 80% đối tượng có dự án vay là các hộ gia đình sản xuất kinh doanh thu hút 1 - 2 lao động nhỏ lẻ. Trong khi đó, những DN tư nhân có thể tạo ra nhiều chỗ làm mới và ổn định chỉ chiếm gần 20% tổng số vay luân chuyển. Quỹ Quốc gia về việc làm TP hầu như không có vốn ứ đọng, mà nhu cầu vay vốn thường xuyên lớn hơn nhiều so với khả năng tài chính của Quỹ. Vì thế, Sở LĐTB&XH đề xuất việc quản lý điều hành nguồn cho vay ở quận, huyện và thị xã tiếp tục theo hướng tập trung, lồng ghép chương trình cho vay vốn khác trên địa bàn TP. Song song với đó là tập trung cho vay tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng thu hút lao động, các làng nghề truyền thống, các hộ gia đình để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Qua đó thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại địa bàn, phát triển các làng nghề truyền thống. Sở cũng đề nghị bổ sung thêm vốn vay cho Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm nhằm tăng cường hiệu quả việc làm, ổn định an sinh, mở rộng các đối tượng được vay vốn, đặc biệt là các lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn TP.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo TP đã kiến nghị với T.Ư nâng mức cho vay hỗ trợ sản xuất đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo lên 50 triệu đồng/hộ để tăng mức đầu tư. Đồng thời, đề xuất TP có chính sách đặc thù về dạy nghề cho người nghèo, những người nghèo được học nhiều nghề, nhiều lần để nâng cao tay nghề cho đến khi có việc làm mang lại thu nhập ổn định.