Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện ảnh Việt chỉ có thể hội nhập bằng bản sắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tối nay (29/11), Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ 2 sẽ khép lại bằng lễ bế mạc và trao giải tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Rôm rả trong chưa đầy tuần lễ, song những người làm điện ảnh Việt Nam dường như đã nhận ra đáp án cho bài toán hội nhập điện ảnh.

Học thế hệ đi trước

 
Chỉ bằng cái nhìn rất thực tế về điện ảnh Việt, không ít người làm điện ảnh nước ngoài cho rằng, thế hệ đi trước chính là "điểm tựa" cho các nhà làm phim đương đại thực hiện ước mơ điện ảnh của mình. TS Aruna Vasudev, Chủ tịch mạng lưới phát triển điện ảnh châu Á (Netpac), chia sẻ: "Cách đây 20 năm, lần đầu tiên tôi biết đến phim Việt Nam qua "Cánh đồng hoang" của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Bộ phim về chiến tranh ấy vẫn gây xúc động cho tôi đến tận bây giờ, nhất là hình ảnh người phụ nữ trẻ tuyệt vọng khi chồng bị máy bay địch bắn chết... Tôi cũng nhớ đến "Thương nhớ đồng quê", "Cô gái trên sông" của Đặng Nhật Minh... Đó là những tác phẩm kể nhiều về quá khứ, về những nỗ lực vươn lên của đất nước, con người Việt Nam.

Đặc biệt, sau giai đoạn đổi mới, có 3 phim lớn, sản xuất tại Pháp về đề tài chiến tranh Việt Nam đã tham dự nhiều LHP quốc tế là "Đông Dương", "Người tình", "Điện Biên Phủ", thu hút được lượng khán giả xem nhiều nhất tại Pháp cho đến thời điểm đó. Đây là một dấu mốc quan trọng. Tôi nghĩ, những người trẻ không cần chạy theo yếu tố thị trường, giải trí mà hãy tiếp tục làm phim như thế hệ đi trước đã làm".
 
 
Điện ảnh Việt chỉ có thể hội nhập bằng bản sắc - Ảnh 1

Một cảnh trong bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười".

 

Đồng quan điểm đó, bà Heneriko Jeannette Paulson, Chủ tịch diễn đàn điện ảnh châu Á - Thái Bình Dương, cũng không quên "dấu mốc" năm 1985, khi lần đầu LHP quốc tế Hawai giới thiệu bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" của Việt Nam - bộ phim giàu tính nhân văn, đã đoạt giải thưởng danh dự của Ban giám khảo. Đây cũng chính là bộ phim đã được CNN công nhận là một trong 18 phim nổi tiếng nhất mọi thời đại sau đó (năm 2008). "Tôi nhận thấy các phim về đề tài chiến tranh như: "Điện Biên Phủ", "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng Mười" đều nổi tiếng. Có một nền tảng điện ảnh như thế, hôm nay các bạn không cần học đâu xa mà hãy học ngay chính thế hệ đi trước mình" - bà Heneriko thẳng thắn.

Những lời góp ý khách quan này chính là gợi ý cho điện ảnh Việt trong lúc đang phân vân, ngập ngừng trước cánh cửa hội nhập.

Giữ bản sắc

Chính những người làm điện ảnh trong nước cũng phải thừa nhận sự thiếu bản sắc của phim Việt. "Sự "lên ngôi" rồi nhanh chóng lụi tàn của dòng phim thương mại, hay còn gọi là phim "mì ăn liền" hồi những năm 1986 - 1999 đã để lại một hệ lụy nặng nề. Nó phá tan đội ngũ, hủy hoại tính chuyên nghiệp và cả lòng tự trọng nghề nghiệp của một số cá nhân nghệ sĩ.

Đây là hai bài học chưa bao giờ cũ cho điện ảnh Việt" - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói. Ngay cả hiện tại, phim Việt vẫn còn "mắc lỗi" vì mải chạy theo thị hiếu khán giả. Nhiều phim mang dáng dấp của phim Hàn Quốc, bóng dáng của phim Hollywood hay thấp thoáng phong cách phim Ấn Độ…

Thế nên không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện bản sắc luôn được các nhà làm phim nước ngoài nhắc đến khi nói về phim Việt. Nhà làm phim Hollywood Cliff Curtis nhận ra phim Việt chưa thể "xuất khẩu", bởi: "Muốn bán được phim ra nước ngoài, các bạn phải làm phim về những câu chuyện của chính mình, về văn hóa, cuộc sống riêng ở nước bạn. Tức là phải có bản sắc. Hãy kể chúng theo cách mà người nước khác có thể hiểu được".

Rõ ràng, rập khuôn theo Hollywood là điều "ngớ ngẩn" cho điện ảnh Việt, vì đơn giản ta không làm được như họ. "Chạy đua" về công nghệ, kỹ xảo cũng là điều không nên bởi không phù hợp với túi tiền điện ảnh nội… Vậy nên con đường duy nhất cho điện ảnh Việt hội nhập hiện tại không gì khác là "bảo toàn" và đề cao bản sắc - điểm mạnh của văn hóa Việt.