Điện ảnh Việt chuyển hướng tìm khán giả

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã làm thay đổi việc phát hành phim trên khắp thế giới và ở Việt Nam. Nếu những năm trước việc phát hành ngoài rạp luôn là ưu tiên số một và đem lại nguồn thu chính thì nay nhiều đơn vị sản xuất, hãng phim lớn đã chọn phương thức phát hành song song ngoài rạp cùng lúc với phát hành trực tuyến.

Phát hành trực tuyến

Tính đến hiện tại, làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam đã khiến mọi người dần phải quen với những sinh hoạt khép kín, làm việc, học tập, mua sắm và giải trí gói gọn trong khuôn viên gia đình. Không nằm ngoài xu hướng đó, dịch vụ xem phim trực tuyến lên ngôi và trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của mọi gia đình.

Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, tần suất sử dụng dịch vụ phim trực tuyến tăng lên rất nhiều do mọi người giảm thiểu việc ra ngoài vui chơi, giải trí. Khán giả chủ yếu xem phim trực tuyến trên các thiết bị tivi thông minh, điện thoại thông minh.
 Phim được phát hành trực tuyến.

Sự biến chuyển trong xu hướng xem phim ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung được khiến nhiều “ông lớn” điện ảnh như: Walt Disney, Comcast cũng phải lấn sân sang nền công nghiệp giải trí số. Việc “Mulan”, “Wonder Woman” được đầu tư “khủng” lên đến 200 triệu USD nhưng phát hành trực tuyến là minh chứng rõ rệt cho xu hướng này.

Ở Việt Nam, sau gần 2 năm điêu đứng bởi đại dịch Covid-19, các ứng dụng cung cấp nội dung trực tuyến (OTT - viết tắt của Over The Top, các ứng dụng và dịch vụ gia tăng trên nền tảng mạng) như: Galaxy Play, FPT Play, Galaxy Play, VietON… cũng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khán giả Việt khi tìm cho mình hướng đi riêng. Rất nhiều phim điện ảnh Việt đã nhanh chóng chuyển sang công chiếu độc quyền trên nền tảng xem phim trực tuyến khác nhau, như: “Tiệc trăng máu”, “Chị chị em em”, “Mắt biếc”, “Cua lại vợ bầu”… “Phim Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả” mới chiếu rạp gần đây cũng đã nhanh chóng phát hành trên mạng nhằm sớm kiếm thêm doanh thu.

Ra rạp quốc tế

Đưa phim Việt công chiếu ở nước ngoài đang là hướng đi của nhiều nhà sản xuất có tên tuổi. Theo trang tin Deadline, trong tuần thứ 3 được công chiếu tại Mỹ, phim “Bố già” đã thu thêm 110.000 USD, nâng tổng doanh thu tại Mỹ lên 1,08 triệu USD. Thời gian đầu, phim “Bố già” chỉ được công chiếu tại 19 rạp, do công ty 3388 Films phát hành. Tuy nhiên, phim bất ngờ lọt vào top 10 ăn khách và thu về hơn 400.000 USD trong tuần công chiếu đầu tiên.
 Phim ''Bố già'' được công chiếu tại nhiều nước trên thế giới.
Không chỉ riêng phim “Bố già”, phim “Thiên thần hộ mệnh” của đạo diễn Victor Vũ mới chiếu tại rạp Việt Nam được hơn 2 tuần trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nên nhà sản xuất đã làm việc với các nhà phát hành quốc tế để chuẩn bị công chiếu ở 12 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Indonesia, Philippines. Hay “Lật mặt 5: 48h” dự định chiếu tại 22 cụm rạp ở Mỹ. Phim chính thức khởi chiếu từ ngày 18/6 tại các rạp ở các bang California, Texas, Colorado, Atlanta, Washington, Virginia, Florida. Từ 25/6, phim tiếp tục mở rộng điểm chiếu tại các cụm rạp thuộc các bang Massachusetts, Philadelphia. Khi bắt đầu có suất chiếu, khán giả kiều bào Việt Nam tại Mỹ đã tích cực lên mạng đặt vé, kêu gọi nhau đi xem ủng hộ phim. Đạo diễn Lý Hải chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi trước hiệu ứng ủng hộ của khán giả và mong muốn phim sẽ gặt hái được thành công tại thị trường Mỹ để tiếp tục đưa phim sang chiếu ở Canada, Úc”. Ngoài ra, phim “Bóng đè” đã được 25 nước mua bản quyền phát hành; “Sám hối” sẽ ra mắt tại Ấn Độ và các quốc gia lân cận.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến phim chiếu ở cáp rạp đóng băng, các nhà làm phim đã tìm ra nhiều lối rẽ để phát hành, thu về lợi nhuận để tự cứu mình. Những phương án này cho thấy sự vượt khó của phim Việt trong bối cảnh dịch bệnh. Và dù trong hoàn cảnh nào, tác phẩm điện ảnh chất lượng sẽ vẫn được khán giả trong nước và quốc tế đón nhận.