Điện Biên: chung tay xây dựng những căn nhà mới vững chãi cho người nghèo
Kinhtedothi - Tỉnh Điện Biên xác định chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ cấp bách cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Nhờ linh hoạt trong phối hợp phân bổ nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ các chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đã đạt kết quả nhất định trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên vận động ủng hộ và quyên góp hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình khó khăn.
Năm 2025, huyện Tuần Giáo đã xây mới và sửa chữa 49 nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, trong đó xây mới 23 hộ và sửa chữa cho 26 hộ. Từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025, có 367 hộ được xây mới.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6/2025.
Là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, ông Quàng Văn Yên (bản Cọ) tuy tuổi đã cao nhưng vẫn là lao động chính trong gia đình. Được Nhà nước và dân bản hỗ trợ, ông quyết định làm một ngôi nhà cấp 4 với chi phí khoảng 300 triệu đồng. Sau hơn 1 tháng thi công, gia đình sắp được ở trong ngôi nhà mới chắc chắn, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Bà Lường Thị Nhung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tuần Giáo cho biết, những ngôi nhà mới được trao không chỉ đáp ứng nhu cầu an cư, mà còn góp phần xây đắp niềm tin, động lực để các hộ nghèo, gia đình khó khăn nỗ lực vươn lên, thoát khỏi đói nghèo, hướng đến cuộc sống ổn định, hạnh phúc hơn.
Theo bà Nhung, việc triển khai làm nhà đại đoàn kết trên địa bàn huyện Tuần Giáo có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân. Các hộ nghèo, cận nghèo sau khi nhận được sự hỗ trợ nhà ở phấn khởi, tập trung vào sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Theo thống kê, giai đoạn 2020-2024 tỉnh Điện Biên thực hiện hỗ trợ 13.500 nhà ở cho các đối tượng (12.480 nhà xây mới và 1.020 nhà sửa chữa), với kinh phí trên 607,3 tỷ đồng. Riêng năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa 143 nhà ở cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng, tổng kinh phí gần 10,4 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho hơn 1.640 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổng vốn thực hiện gần 83 tỷ đồng.
Đến hết năm 2024, số hộ ở nhà tạm, nhà dột nát cần hỗ trợ trên toàn tỉnh còn khoảng hơn 5.609 hộ (4.489 hộ cần xây mới, 1.511 hộ cần cải tạo nhà ở). Tổng kinh phí cần để thực hiện là 300 tỷ đồng.
Để thực hiện được mục tiêu đến hết năm 2025 không còn tình trạng nhà ở dột nát, tỉnh sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hiệu quả các nguồn lực.
Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân có công ăn, việc làm, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Việc làm nhà cho hộ nghèo sẽ được triển khai theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, nguồn lực công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng cơ sở, từ họ hàng, người thân và từ chính các gia đình.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nhấn mạnh, việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng. Các cấp chính quyền cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về vốn, thủ tục pháp lý để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách để đảm bảo mục tiêu xóa nhà tạm trong năm 2025.

Nam Định quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 1/7/2025
Kinhtedothi - Sáng 19/3, UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi- Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến cuối tháng 9 năm nay, toàn tỉnh phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Hà Nội: sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 1093/UBND-KT về việc sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.