Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn biến mới nhất bão số 5, các tỉnh Nam Trung Bộ cấm biển, cho học sinh nghỉ học

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến cơn bão số 5 tiến nhanh vào đất liền, các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đang tích cực triển khai phương án ứng phó với phương châm: Tài sản quý giá nhất là sinh mạng của dân.

 Vị trí và đường đi của bão sáng 30/10
Bão đổ bộ vào đất liền trong tối nay (30/10)
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, do ảnh hưởng hoàn lưu phía Tây của bão số 5 (có tên quốc tế Matmo) tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Hồi 4h ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 30/10, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15 - 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp
Từ trưa và chiều nay (30/10), trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 9; các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 10.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, trong 2 ngày (30 - 31/10), ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to (tổng lượng mưa 300 - 400mm/đợt, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400 - 600mm/đợt). Từ ngày 31/10 đến 2/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 200 - 300mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300 - 500mm/đợt).
 Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh được di dời vào nơi an toàn. Ảnh: Báo Khánh Hòa.

Không lơ là chủ quan trong phòng chống bão
Để chủ động ứng phó với bão số 5, ngày 29/10, các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đã có công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, tăng cường thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh, không để xảy ra tình trạng cơ quan, đơn vị lơ là, người dân chủ quan.
Khẩn trương rà soát, kiểm đếm các phương tiện tàu thuyền, thông tin kịp thời, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh, trú bão an toàn.
Khẩn trương rà soát, kiểm tra những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chủ động phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, tại những khu vực trọng điểm, xung yếu; chuẩn bị phương án cứu trợ, phòng dịch bệnh tại vùng ngập lụt. Hướng dẫn người dân gia cố, chằng chống nhà cửa, cơ sở sản xuất, bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.
Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động vận hành, tích nước hợp lý đảm bảo an toàn công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo do xả lũ, gây thiệt hại cho vùng hạ du.
Ngành giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong các ngày 30 và 31/10.
Tại Khánh Hòa, Cảng vụ Nha Trang kết hợp với Ban Quản lý Vịnh Nha Trang tiến hành thông báo đến các phương tiện tàu bè du lịch di chuyển, để chủ phương tiện tìm nơi tránh trú an toàn; các ca nô, tàu du lịch đưa về tránh trú ở cảng Hòn Rớ và hoàn thành trong chiều 29/10. Trên bãi biển Nha Trang, các đơn vị tăng cường lực lượng tuần tra, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, ngăn ngừa du khách tắm lúc biển động.
Trong khi đó, tại vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh ở huyện Vạn Ninh, chính quyền địa phương cùng người dân đã chủ động thực hiện công tác di dời, tránh trú, gia cố, chằng chống lồng bè để đối phó nếu bão đổ bộ trực tiếp vào khu vực này.
Còn tại huyện Trường Sa, đến trưa 29/10 có 7 tàu cá của ngư dân đang trong hành trình đánh bắt hải sản đã vào âu tàu tại đảo Song Tử Tây trú tránh. Các đảo duy trì kíp trực 24/24 giờ, kịp thời thông báo về diễn biến phức tạp của thời tiết, sẵn sàng giúp đỡ ngư dân và bảo vệ người dân sống trên các đảo.

 Các ngư dân Phú Yên giằng neo lại tàu thuyền trước khi bão vào bờ. Ảnh: Anh Ngọc

Với tỉnh Bình Định, trong cuộc họp khẩn cấp chiều 29/10, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương chủ động triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với phương châm "4 tại chỗ", chủ động dự trữ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng bị chia cắt dài ngày. Túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, giảm tối thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Cùng chiều 29/10, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp với nhận định, sau bão lượng mưa từ các dòng sông suối khu vực Tây Nguyên đổ về có khả năng gây lũ trên diện rộng trên địa bàn tỉnh.
Do đó các sở, ngành, địa phương, đặc biệt chú trọng việc ứng trực, đảm bảo an toàn các hồ chứa, hồ thủy lợi. Hiện tỉnh này có 50 hồ chứa nước, trong đó 3 hồ thủy lợi dung tích chứa hơn 10 triệu m3 là hồ Phú Xuân, hồ Suối Vực và hồ Đồng Tròn. Các chủ hồ đã tổ chức trực ban, theo dõi sát tình hình thời tiết để có kế hoạch điều tiết hợp lý.
Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tuyến giao thông vận tải thủy Sa Kỳ - Lý Sơn, đảo Lớn - đảo Bé. Các hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân huyện đảo Lý Sơn cũng tạm dừng. Hơn 300 tàu cá đánh bắt gần bờ và gần 40 lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân Lý Sơn đã được đưa vào vũng neo trú tàu thuyền, đảm bảo kỹ thuật, tránh va đập gây thiệt hại về tài sản.