Trời chuyển rét giữa tháng 5
Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, từ ngày 15/5, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển mát, vùng núi có nơi chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20 - 22 độ C, có nơi 17 - 19 độ C.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, cuối tuần qua, tại Hà Nội đã có những trận mưa đầu tiên. Mặc dù mưa không to, nhưng kèm theo khí lạnh khiến nhiều người dân phải mặc cả áo khoác để giữ nhiệt. Giao thông trên nhiều tuyến đường lớn của Hà Nội cũng trở nên vắng vẻ do người dân không đi ra khỏi nhà vì mưa và cuối tuần.
Đặc biệt, trong sáng nay (16/5), không khí tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to.
Nhận định về hiện tượng thời tiết trên, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, hàng năm, vào các tháng 5-6, ở miền Bắc nước ta vẫn có những đợt xâm nhập của các khối không khí có nhiệt độ thấp hơn từ phía Bắc di chuyển xuống phía Nam. Hệ quả là sự giao tranh giữa các khối khí có nhiệt độ thấp ở phía Bắc với khối khí nóng ẩm ở nước ta sẽ gây ra những đợt mưa dông trên diện rộng.
Trong thời kỳ này, những đợt tăng cường của khối khí phía Bắc thường gây mưa và giảm nhiệt độ làm thời tiết chuyển mát ngắn ngày ở miền Bắc, làm ngắt quãng các đợt nắng nóng.
“Có thể thấy, từ ngày 14/5 đến nay, nước ta cũng đang diễn ra đợt xâm nhập của không khí lạnh như vậy. Ở vùng núi đã xuất hiện mưa dông và mưa lớn, thời gian xảy ra nhiều về đêm và sáng sớm. Cảnh báo trong giai đoạn chuyển mùa, mưa dông nhiều thường tiềm ẩn nguy cơ cao về lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đồng thời, các tỉnh vùng núi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ do mưa có thể xảy ra nhiều ngày.”- Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm.
Sau đợt không khí lạnh giữa tháng 5/2022, diễn biến thời tiết cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, sau đợt không khí lạnh giữa tháng 5, miền Bắc có thể chịu thêm tác động của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa rào và dông ở Bắc Bộ và miền Trung.
Do tác động của không khí lạnh nên cuối tháng 5, đầu tháng 6, nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm, từ cuối tháng 6, trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8 sẽ có thể xảy ra những đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt.
Hiện tượng thiên tai cực đoan ngày càng nhiều
Nhận định về mùa mưa bão năm nay có bất thường so với những năm trước, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo, năm nay, khả năng hiện tượng La Nina sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến các tháng đầu mùa đông xác suất khoảng 55 - 65%. Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn.
Bão và áp thấp nhiệt đới từ tháng 5 – 7/2022, có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm, sau đó từ tháng 8 – 11/2022 có xu hướng ở mức xấp xỉ và có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 7 – 9/2022. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ tháng 6 – 9/2022.
Từ khoảng tháng 10, tháng 11 tại khu vực Trung Bộ và phía nam có xu hướng gia tăng lượng mưa. Với xu hướng La Nina, mùa mưa ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng kéo dài đến cuối năm, đề phòng mưa, bão dồn dập trong thời từ tháng 10 – 11/2022.
Trong những năm gần đây, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, trái quy luật… Theo ông Hoàng Phúc Lâm, chúng ta đã và đang ghi nhận sự gia tăng về cường độ, tần suất xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan bất thường ngày càng nhiều hơn, trái quy luật và gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Năm 2021, cùng với xu hướng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan xảy ra trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ví dụ, năm 2016 và 2018 diễn ra tình trạng hạn hán khốc liệt nhất lịch sử. Năm 2021 xuất hiện cơn bão rất mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử quan trắc ở Việt Nam ghi nhận được gió mạnh cấp 14, giật cấp 17 trên đảo Song Tử Tây. Năm 2022 ghi nhận trận mưa lớn trái mùa ở Nam Trung Bộ gây rất nhiều thiệt hại ở khu vực này…