Diễn đàn Kinh tế Thủ đô - Hội nhập và phát triển - 2018: Tăng liên kết, đổi mới công nghệ

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN nhỏ và vừa (DNNVV) làm gì để phát triển trong hội nhập? Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử sẽ tạo cơ hội cho mọi DN mang sản phẩm ra xa tầm quốc tế, DN cần có chiến lược kinh doanh bài bản, phù hợp với yêu cầu mới, phát huy lợi thế đặc trưng của mình, đổi mới sáng tạo. Các chuyên gia bày tỏ tại buổi tọa đàm “Diễn đàn Kinh tế Thủ đô - Hội nhập và phát triển - 2018”, bên lề Đại hội Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội.

 Các đại biểu tại buổi tọa đàm nằm trong “Diễn đàn Kinh tế Thủ đô - Hội nhập và phát triển - 2018”.
4.0 không quá phức tạp để hiểu
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu đề cập, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt. “4.0 có 3 từ khóa thôi” - ông nói. Thứ nhất là thông minh hơn, một ngày nào đó phi công nói với máy bay tôi mệt rồi hạ cánh đi, phi công có thể trò truyện với động cơ trên máy bay có nghĩa là thông minh hơn. Thứ hai, là sự kết nối giữa thực và ảo, ảo ở đây là từ xa, điều khiển không cần có mặt. Và thứ ba là áp dụng tiết kiệm được chi phí sản xuất, áp dụng trên thực tế không có sai sót. Ông Hiếu cho rằng, dưới tác động của 4.0, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. 4.0 có thể thay đổi mô hình kinh doanh. Ví dụ, trước đây, tư duy kinh doanh vận tải phải có xe lái xe… grap ra đời chỉ nhắm vào một phân khúc của GTVT không có xe, không có lái xe, chỉ có dịch vụ và kết nối với người cần dịch vụ.

Hoàn toàn nhất trí với ông Hiếu hãy tư duy về 4.0 một cách đơn giản, ai cũng có thể tiếp cận, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ, trong các hội nghị APEC đều nói đến nền kinh tế số, nền kinh tế thông minh, siêu kết nối. Nhiều DN đã bắt đầu gia tăng đầu tư cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, ở khá nhiều khâu, từ quản trị, thiết kế, sản xuất, đến phân phối sản phẩm.
Hà Nội hiện có 238.345 DN, bình quân mỗi năm phải có thêm trên 60.000 DN mới đạt được mục tiêu 400.000 DN vào năm 2020. Hà Nội đã có kế hoạch phát triển DN, động viên giúp đỡ những hộ kinh doanh cá thể lên đăng ký DN, có một chương trình hành động để phát triển hộ gia đình lên DN có năng lực hội nhập và cạnh tranh. Làm sao hỗ trợ để DN khởi nghiệp sáng tạo, Hà Nội đã có đề án, không có gì thay đổi quý III/2018 báo cáo Thủ tướng ban hành nội dung này. Hà Nội luôn đồng hành cùng DN, tổ chức gặp gỡ đối thoại DN, cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Nội đặt kế hoạch 2020 là top 10 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn EDX Nguyễn Đình Hùng cho biết, EDX chọn đầu tư kinh doanh trực tuyến toàn cầu là lĩnh vực cốt lõi. Kinh doanh trên mạng, thương mại điện tử cho phép bán hàng, tiếp cận khách hàng khắp nơi. Xây dựng thương hiệu rất khó nhưng với công nghệ, có thể cho phép thực hiện được trong môi trường mạng toàn cầu. Nếu biết tận dụng các ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử có thể giúp doanh thu của DN tăng lên từ 30 -70% so với phương thức kinh doanh truyền thống.

Liên kết để lớn mạnh

Việt Nam đã kí kết tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do FTA, vừa qua tham gia CPTPP - bà Lâm Thị Quỳnh Anh - Trưởng phòng Hội nhập kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương), chia sẻ, DN có cơ hội rất lớn thâm nhập thị trường các nước thành viên nhưng có tận dụng được ưu đãi về thị trường hay không. Theo thống kê của Bộ Công Thương, thời gian qua, tham gia các FTA, tỷ lệ DN tận dụng ưu đãi chỉ 30%, do đó, DN cần tìm hiểu kĩ hơn, sâu hơn về các hiệp định mang lại. Hiện nay, các DN không chỉ cạnh tranh về giá mà phải cạnh tranh về mặt tiêu chuẩn chất lượng và các giá trị gia tăng. Các DN cần chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở có định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.
 Việt Nam đã kí kết tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do FTA
“Yếu nhất của DN là chưa nhiều DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị do tiêu chuẩn sản xuất rất lớn. Và đặc biệt là hàng rào phi thuế quan, đây mới thực sự là thách thức với DN” - bà Quỳnh Anh nhấn mạnh. Với xu hướng thuế quan cắt giảm tiệm cận 0%, nguy cơ các nước áp dụng biện pháp tự vệ chống bán phá giá. Các DN cần tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội, ngành hàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó với những rào cản mới trong thương mại quốc tế”- bà Quỳnh Anh cho biết, sắp tới là một loạt FTA sẽ sớm đưa vào thực thi và Bộ Công Thương sẽ lấy DN, đặc biệt là DNNVV để thiết kế hỗ trợ chính sách, tiếp cận thị trường.

Gắn kết với hoạt động hội tăng sức mạnh cho DN

Để DNNVV phát triển, Luật DNNVV có 4 Nghị định liên quan và nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy vậy, theo Phó Vụ trưởng thị trường Vụ châu Á - Phi (Bộ Công Thương) Lê An Hải, để tiếng nói và nguyện vọng của doanh nhân đến với các cấp, các ngành, cần có sự hỗ trợ của hiệp hội, thể hiện vai trò gắn kết và hợp tác, là cầu nối giữa các DN với các cơ quan quản lý Nhà nước và giữa các DN với nhau.
Hà Nội có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn 2015 - 2020 tầm nhìn 2030, giao rất rõ cho các trưởng ngành, đưa vào chương trình hành động. Đồng thời, ban hành kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế để tổ chức triển khai thực hiện. TP giao cho Sở Công Thương, trung tâm xúc tiến hỗ trợ DN tham gia kết nối cung - cầu trong chương trình giao thương trong nước, trong TP Hà Nội và nước ngoài. Tháng 6 tới sẽ đưa hàng của DN Hà Nội vào hệ thống siêu thị Aeon Nhật Bản, chợ đầu mối của Pháp. Tổ chức nhiều cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN trong từng lĩnh vực, ngành nghề và tổ chức chung đối thoại với lãnh đạo TP.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan
Ông Lê An Hải cho rằng, Hà Nội là vùng kinh tế đặc biệt của cả nước, có số DN dẫn đầu, cần kết nối với các DN tỉnh, TP, DN địa phương khác trong từng lĩnh vực từng nhóm hàng cụ thể. Liên kết DN đóng vai trò hết sức quan trọng tạo nên sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh chất lượng để gia nhập thị trường. Để các DNNVV phát triển được, nhất là với Thủ đô, lực lượng DN bằng 1/3 cả nước phát triển lớn mạnh, các ngành, các cấp của Hà Nội cùng đồng hành tháo gỡ với DN, các DN thông qua các hiệp hội liên kết cùng hỗ trợ nhau.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão đánh giá, thứ nhất, triển vọng của DNNVV rất lớn, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội. Hiệp hội DNNVV Hà Nội (Hanoisme) đang hoạt động rất hiệu quả, nhưng tới đây tổ chức này phải được phát huy như bà đỡ hỗ trợ DNNVV phát triển. Thứ hai, mong muốn các tổ chức, hiệp hội không chỉ dừng ở quan tâm giúp đỡ mà phải có đề xuất. Cùng nhau xây dựng văn hóa doanh nhân, DN. “Hy vọng tỷ lệ ĐB Quốc hội là doanh nhân sẽ phát triển lên. Tới đây vị trí doanh nhân rất lớn, chính vì vậy rất cần hiệp hội để thông qua đó nâng tầm DN”- ông Vũ Mão chia sẻ.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc kỳ vọng, với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử sẽ tạo cơ hội cho mọi DN mang sản phẩm ra tầm quốc tế, DN cần có chiến lược kinh doanh bài bản, phù hợp với yêu cầu mới, phát huy lợi thế đặc trưng của mình, đổi mới sáng tạo, tăng liên kết. “Sẽ có những DN mạnh trên thế giới là của Việt Nam, chúng ta hãy cứ có niềm tin, hy vọng. Chúc DN Việt Nam phát triển, DN Hà Nội phát triển gắn với chữ tâm và quyết chí làm giàu, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, giàu mạnh”.
Hà Nội nên có một chương trình hỗ trợ DN kết nối nền kinh tế số do DN làm, giúp DN có vốn để đầu tư, có trí tuệ để kết nối, đề nghị Hiệp hội SME Hà Nội có chương trình hành động để DN kết nối với nhau, kết nối với DN nước ngoài phát triển. Ưu thế của Hà Nội có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các DN cần kết nối với các cơ sở để có được sản phẩm cạnh tranh. 

TS Lê Đăng Doanh
Những năm gần đây phong trào của DN Thủ đô phát triển rất nhiều, đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua phát triển rất mạnh mẽ, Hanoisme khẳng định được vai trò của mình, đã kết nối với chính quyền, tạo ra các cơ hội giao lưu xúc tiến thương mại, các chương trình đào tạo, hoạt động phong phú cho các DN. Tôi hy vọng, sau Đại hội, Hiệp hội tiếp tục làm được nhiều việc hơn cho cộng đồng DN của TP, khẳng định rõ hơn nữa vai trò của hiệp hội. 

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần