Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Đề xuất ưu tiên nguồn lực đầu tư, củng cố hệ thống y tế

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” tổ chức ngày 5/12, bàn về giải pháp phục hồi nền kinh tế, các chuyên gia kiến nghị, trước tiên, cần phải ưu tiên nguồn lực đầu tư, củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc.

Tổng gói cứu trợ nền kinh tế khoảng 666.000 tỷ đồng

Bàn về giải pháp "phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thông tin tình hình kinh tế thế giới, chỉ ra hàng loạt thách thức mà kinh tế thế giới hiện đang đối mặt. Đồng thời, nêu rõ thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2021 cùng các vấn đề đặt ra hiện nay như vấn đề nguy cơ lạm phát kép, nguy cơ nợ xấu.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam 

Để phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững theo hướng số hóa, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đã chỉ rõ những lợi ích của phát triển kinh tế số đối với quốc gia là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành/lĩnh vực mới, tạo việc làm, thay đổi cơ cấu việc làm, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tăng chất lượng dịch vụ công. Lợi ích đối với doanh nghiệp là tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, thay đổi linh hoạt hơn, kết nối với khách hàng, nhân viên, đối tác và nhà cung cấp nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Kinh tế số cũng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: Chất lượng sản phẩm/Tiện ích được cải thiện do ứng dụng công nghệ tiên tiến; mua hàng mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nội mạng Internet; Giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn so với mua qua kênh truyền thống do chi phí sản xuất và phân phối được cắt giảm; thuận tiện trong thanh toán do không phải sử dụng tiền mặt…

Bàn về các giải pháp can thiệp nền kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Tuấn kiến nghị: Thứ nhất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Cụ thể, gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỷ đồng. Thứ hai, cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội. Cụ thể, gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỷ đồng. Thứ ba, cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, trong đó gói hỗ trợ doanh nghiệp cần khoảng 244.000 tỷ đồng cùng với việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết. Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Gói đầu tư công mà PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề xuất có quy mô là 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022-2023. Như vậy, tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.

“Để đảm bảo các biện pháp trên thực hiện thành công, cần đảm bảo sự phối hợp để thiết kế và thực hiện các chính sách giữa các bộ ngành thuộc Chính phủ và Quốc hội. Các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng” - PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

Tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế

Chia sẻ tại tọa đàm cấp cao, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, đối với vấn đề phục hồi kinh tế hậu Covid-19, chúng tôi có 4 khuyến nghị dành cho Việt Nam. Thứ nhất là Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế. Hiện tại, Việt Nam đang làm rất tốt công tác tiêm vaccine cho người dân với tốc độ bao phủ vaccine ấn tượng. Do đó, chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh việc đặt hàng và phân phối vaccine ngừa Covid-19, đồng thời cũng cần lên kế hoạch phân phối vaccine trong tương lai. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên cân nhắc khả năng tái xây dựng hệ thống y tế hậu đại dịch.  

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Thứ hai, Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là giảm sự cứng nhắc trong hệ thống phân bổ ngân sách, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu. Và phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay. Hiện danh mục đầu tư có rất nhiều dự án có tên nhưng chưa có thiết kế chi tiết, chưa có nghiên cứu khả thi để triển khai. Tôi tin rằng, quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng một danh mục đầu tư tốt là yếu tố then chốt để quá trình đầu tư vào các hoạt động phục hồi kinh tế diễn ra nhanh chóng.

Thứ ba, chúng ta cũng nên cân nhắc về tính hiệu quả, 1 yếu tố quan trọng trong phục hồi kinh tế và cũng đóng góp vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam. Việt Nam nên cân nhắc đến tính hiệu quả không chỉ trong các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mà còn phải để tâm đến việc nâng cao tính hiệu quả của hoạt động chính phủ. Một cách để đạt được mục tiêu này là cân nhắc việc áp dụng các cơ chế số hóa mới để đạt được hiệu quả cao hơn.

Về phía chính phủ, Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực như quá trình phê duyệt đã được số hóa, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự đạt được mục tiêu hợp lý và hiệu quả nhất. Cùng lúc đó, chính phủ cũng cần tính tới việc đầu tư cho các doanh nghiệp, để giúp họ ứng dụng được những công nghệ số mới, nhằm giúp cho Việt Nam giữ được vị thế tiên phong trong mặt trận đổi mới và công nghệ, bởi khu vực tư nhân sẽ là động lực cho quá trình phục hồi và phát triển của Việt Nam.

“Thứ tư, Việt Nam nên cân nhắc tới tiêu dùng cá nhân, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, cho người dân. Các gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cá nhân, các hộ gia đình so với khu vực cho tới thời điểm này vẫn còn thấp, cho nên chúng ta có thể cân nhắc việc gia tăng hỗ trợ và chúng tôi tin rằng vẫn còn dư địa tài khóa để làm việc này. Tuy nhiên, để các gói hỗ trợ hiệu quả, chúng ta cần quy trình thực hiện mạnh mẽ và mục tiêu cụ thể, rõ ràng” - bà Carolyn Turk nhấn mạnh.