Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017: Dư địa tăng trưởng còn rất lớn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng theo mô hình cũ dựa vào khai thác dầu thô, nhân công giá rẻ đã không còn phù hợp.

Dư địa tăng trưởng nằm ở chính phân bổ nguồn lực. Các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017 với chủ đề: “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức ngày 27/6 có cái nhìn khá mới mẻ về tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.
Tăng trưởng không dựa vào tài nguyên

Giải thích thêm về lý do này, TS Cấn Văn Lực phân tích, có 3 mũi nhọn cần tập trung vào. Thứ nhất, kích thích tiêu dùng (năm ngoái đạt 3,7 triệu tỷ đồng), nếu kích cầu thêm 1% là 38.000 tỷ đồng sẽ gấp 4 lần so với khai thác dầu thô là 9,2 nghìn tỷ đồng. Thứ hai, dịch vụ du lịch khai thác chưa hết. Năm 2016, du lịch đóng góp 35.000 tỷ đồng, nếu khai thác du lịch tăng thêm 30%, nền kinh tế sẽ có thêm 7.000 - 8.000 tỷ đồng. Thứ ba, đẩy mạnh quyết liệt hơn môi trường kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2017 có 61.000 DN tư nhân được thành lập, nếu tạo được môi trường kinh doanh tốt sẽ phát triển cả tiêu dùng và tổng cầu, thúc đẩy xuất khẩu (XK).
 Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Canon, Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh : Thanh Hải
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick khuyến nghị, đã đến lúc Việt Nam không nên tập trung vào mô hình tăng trưởng cũ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, sức lao động giá rẻ. Lợi thế nhân công giá rẻ đang bị mất dần do năng suất thấp, chất lượng giáo dục còn kém. Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng, điều cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn.

Tăng trưởng có thể lên 8 - 9%

Trong khi Việt Nam đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế, làm sao để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% đặt ra thì Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung lại đánh giá “Tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn. Tăng trưởng 6,7% là thấp mà tiềm năng dư địa phải là 8 - 9%”. Trình bày cho nhận định của mình, ông Cung phân tích: Thứ nhất cần cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế Nhà nước, đặc biệt là DN Nhà nước. Hiện, tài sản khu vực này khoảng hơn 300 tỷ USD, nếu tăng 1%, hiệu quả nền kinh tế có 3 tỷ USD (bằng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng). Khu vực này có dư địa khoảng 3 - 4%. Ở khu vực tư nhân, hiện nay khoảng 200 tỷ USD, nếu tăng 1% sẽ có 2 tỷ USD và khu vực này có dư địa rất lớn. “Tiếp theo, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư FDI và ODA đã ký kết. Còn hơn 180 tỷ USD vốn FDI và khoảng 15 tỷ vốn ODA chưa giải ngân, thúc đẩy 2 nguồn vốn này sẽ hỗ trợ tăng trưởng” - ông Cung khẳng định.

Ngoài ra, còn dư địa giảm chi phí cho DN: Chi phí logistics chiếm gần 21%, nếu giảm 1 - 2 điểm phần trăm sẽ tiết giảm 10 tỷ USD. Công bố của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có 66% DN phải trả chi phí không chính thức. Chi phí tuân thủ cũng rất lớn, DN vẫn bị thanh tra nhiều. Hiện mới có 48% số DN có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh, trong khi giai đoạn trước năm 2016 có trên 70%. Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế 2 đầu tàu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vì 2 TP này đóng góp 50% GDP cả nước, chiếm 70% FDI, trên 2/3 tổng thu ngân sách, 70% số cơ quan nghiên cứu, trường đại học.

Các giải pháp để thực hiện tăng trưởng được đại diện CIEM đề ra là cải thiện kinh tế vĩ mô, thực hiện kỷ luật tài khóa cắt giảm vài phần trăm chi thường xuyên, tăng chất lượng hạ tầng tập trung vào những công trình quan trọng cho ra hiệu quả kinh tế. Thực hiện cổ phần hóa đúng mục tiêu, dùng vốn này vào những dự án trọng tâm trọng điểm mà tập trung vào 2 đầu tàu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nghiên cứu thuế nhà đất vừa để giảm đầu cơ bất động sản, xử lý nợ xấu. Kéo khách du lịch đến Việt Nam bằng tổ chức các hội chợ lữ hành. Áp dụng tái cơ cấu nông nghiệp, cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu… có thể có thêm hàng tỷ USD cho nền kinh tế. “Dư địa tăng trưởng còn rất lớn, và những vấn đề này cần đổi mới vai trò chức năng công cụ quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tạo đà phát triển tốt hơn. Từ năm 2020 trở đi, hoàn toàn có thể đạt được 8 - 9%, không phải 6,7% chật vật như hiện nay” - ông Cung quả quyết.

Tái cơ cấu diễn ra chậm và chưa thực chất cũng là một trong những lực cản lớn của tăng trưởng kinh tế. Ở nhiều quốc gia, phải tiến hành điều chỉnh thường xuyên tiến hành tái cơ cấu một cách toàn diện, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn.

Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Sebastian Eckard


tTrong bối cảnh chính sách tài khóa đang bị hạn chế, chính sách tiền tệ có thể cần phải tiếp tục được nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng là điều cần thiết. Theo đó, các ngân hàng phải phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong điều kiện lãi suất ổn định. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước