Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.
Tháo gỡ nút thắt, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Tại Hội nghị sẽ có 400 đại biểu tham dự trực tiếp, diễn đàn còn kết nối với một số điểm cầu của các học viện, trường đại học, diễn giả, nhà khoa học.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sẽ góp tiếng nói để Quốc hội, Chính phủ đưa ra giải pháp thích ứng phù hợp, giải quyết những “điểm nghẽn” của nền kinh tế.
Tại 2 phiên chuyên đề, các đại biểu thảo luận tháo gỡ nút thắt, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các thị trường yếu tố sản xuất, nhất là thị trường vốn, thị trường tài chính; khơi thông nguồn lực, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế và nâng cao năng suất lao động, hoàn thiện chính sách liên quan đến an sinh xã hội, ổn định việc làm, hỗ trợ người lao động,…
Phiên toàn thể tập trung đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững (phục hồi động lực hiện tại, kiến tạo động lực tăng trưởng mới); cải cách thể chế, góc nhìn về tính đồng bộ trong quản trị quốc gia, doanh nghiệp, địa phương... Ngoài ra còn có tọa đàm cấp cao theo hình thức bàn tròn.
Đề xuất giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, dự kiến các chuyên gia, diễn giả làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.
Cùng với đó, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023. Quan trọng là nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào – đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính – tiền tệ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, lao động việc làm, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn.
Đồng thời, rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021-2025 và một số nghị quyết liên quan khác…v.v; trong đó làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.
Ngoài ra, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong nguyên tắc, phương thức, cách thức điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các ý kiến, tham luận tại diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung thuộc chức năng; là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là hoạt động thường niên của Quốc hội, được tổ chức từ năm 2021. Thành công của Diễn đàn Kinh tế năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn, cung cấp các thông tin, định hướng hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.