Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn ngành nước Đức - Việt: Nhiều kinh nghiệm hay về quản lý tài nguyên nước

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/3, Diễn đàn ngành nước Đức-Việt tại Hà Nội khép lại, nhưng đã mở ra cơ hội lớn cho sự hợp tác giữa ngành nước hai quốc gia.

Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam Jorg Ruger chia sẻ: “Nước là tài nguyên hữu hạn, phải sử dụng thông minh nhất có thể vì sự phát triển bền vững của đô thị”.
Tài nguyên hữu hạn
Tại Diễn đàn ngành nước Đức - Việt, Viện trưởng Viện Khoa học & kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng, GS.TS Nguyễn Việt Anh cho biết, hiện mới có 86% dân số đô thị tại Việt nam được cấp nước từ hệ thống tập trung. Cả nước có 820 đô thị, chiếm 37% dân số; tổng công suất cung cấp nước tại các đô thị của Việt Nam hiện vào khoảng 9 triệu mét khối/ngày. Với lưu lượng lớn như vậy nhưng hiện có khoảng 30% mạng lưới đường ống cấp nước tại các đô thị Việt Nam đã được lắp đặt trên 30 năm; chất lượng đường ống không đồng đều, nhiều đường ống đã xuống cấp. Thực trạng hạ tầng kỹ thuật này đã khiến cho các đô thị Việt Nam để thất thoát một lượng nước rất lớn với 21,5% không có doanh thu.
Nước sạch phục vụ cho trẻ em tại một trường học ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cùng với sự gia tăng dân số và phát triển của các đô thị, nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng cao. Phải nỗ lực đáp ứng nhu cầu đó trong bối cảnh công nghệ - kỹ thuật, công tác quản lý… còn hạn chế, khiến cho các đô thị tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội phải đứng trước nguy cơ rất lớn suy thoái cả nguồn nước mặt lẫn nước ngầm. Nguồn nước ô nhiễm bởi các chất khó xử lý như asen, amoni, mangan, kháng sinh, các chủng loại vi sinh vật mới… ngày càng tăng.
Trái ngược với thực trạng đó, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam Jorg Ruger cho hay, nhiều năm qua, nhu cầu sử dụng nước tại CHLB Đức ngày càng giảm. “Dân số vẫn tăng nhưng nhu cầu về nước lại giảm là do chúng tôi quản lý tốt việc sử dụng nước”. Ông Jorg Ruger nhấn mạnh: “Nước là tài nguyên hữu hạn, phải sử dụng thông minh nhất có thể vì sự phát triển bền vững của đô thị”.
GS.TS Nguyễn Việt Anh cho rằng, việc quản lý và sử dụng nguồn nước tại các đô thị cần phải được ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hoá hiệu quả. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hợp tác với các quốc gia, tổ chức có công nghệ hiện đại, sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam, đầu tư các gói giải pháp lớn, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật của đô thị.
Quản lý thông minh
Trong khi một đô thị lớn như Hà Nội chưa thể áp dụng được nhiều giải pháp quản lý nguồn và quá trình cung cấp nước một cách thông minh thì Hải Dương - một địa phương lân cận Thủ đô đã thành công với giải pháp này.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương Nguyễn Thanh Sơn cho hay: “Chúng tôi đã đưa hệ thống Scada hữu tuyến vào quản lý nguồn và mạng lưới cấp nước trong một thời gian dài, hiệu quả đem lại rất rõ rệt”.
Trong vòng 5 năm, từ 2013 - 2018, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương đã nâng công suất lên hơn 200%, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho 75% dân số toàn tỉnh. Đó là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nguồn nước tại các đô thị. Điều này lại càng là đòi hỏi bức thiết trong bối cảnh nhiều năm qua TP phải liên tục vật lộn với cảnh thiếu nước ở nhiều khu vực dân cư. Hạ tầng hệ thống cấp thoát nước lạc hậu, yếu kém, khiến lượng nước thất thoát còn rất lớn; ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Giám đốc điều hành hội Hợp tác ngành nước Đức (GWP) Julia Braune cho hay, GWP hiện đã có khoảng 350 hội viên tại Đức; là đối tác hợp tác với nhiều Hiệp hội ngành nước trên khắp thế giới. “GWP sẵn sàng là cầu nối, đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ giữa các DN, nhà khoa học Đức với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng”.

Diễn đàn ngành nước Đức - Việt đã khép lại sau hai ngày bàn thảo sôi nổi. Nhiều công nghệ mới, giải pháp đột phá để quản lý và sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường đã được giới thiệu. Đây là dịp để Hà Nội tìm kiếm cho mình những giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đồng thời cũng là cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tận thấy tiềm năng thương mại trong lĩnh vực cấp, thoát nước và môi trường của Thủ đô.