Diễn đàn nhỏ đề cập đến nhiều vấn đề lớn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 6/11, Câu lạc bộ các Ban quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế (KCN-KKT) các tỉnh, thành phố phía bắc (từ Thừa Thiện Huế trở ra) đã tổ chức buổi sinh hoạt câu lạc bộ thường kỳ lần thứ 3

KTĐT - Ngày 6/11, Câu lạc bộ các Ban quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế (KCN-KKT) các tỉnh, thành phố phía bắc (từ Thừa Thiện Huế trở ra) đã tổ chức buổi sinh hoạt câu lạc bộ thường kỳ lần thứ 3 kể từ sau khi thành lập (tháng 11/2008).

Một trong những mục đích của câu lạc bộ là học tập, trao đổi thông tin, cơ chế chính sách đầu tư, tập hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến KCN- KKT... Tuy nhiên, với việc tập hợp hội viên là các ban quản lý, các đơn vị xây dựng hạ tầng, trung tâm giới thiệu việc làm, xúc tiến đầu tư... những vấn đề mà buổi sinh hoạt câu lạc bộ đưa ra không nhỏ đối với sự phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ mà còn ảnh hưởng tới những định hướng phát triển đối với nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế.

Tiềm lực lớn

Báo cáo của Ban chủ nhiệm CLB cho biết, các tỉnh, thành phố phía bắc hiện có hơn 110/196 KCN- KKT đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch đến năm 2020. Các KCN- KKT hiện có đang thu hút gần 2.800 dự án (trong và ngoài nước), chiếm 40% so với tổng số các dự án đầu tư vào các KCN, KKT của cả nước, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 39,7 tỷ USD. Đã có 1982 dự án đi vào hoạt động ổn định và trong 10 tháng năm 2009, doanh thu từ các KCN- KKT phía bắc đạt 6,39 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 400 nghìn lao động. Riêng 17 KCN của Hà Nội, đến nay đã có 423 dự án đầu tư đi vào hoạt động ổn định với mức doanh thu 10 tháng năm 2009 là hơn 2,2 tỷ USD (chiếm 34,5% doanh thu các KCN- KKT phía Bắc) kim ngạch xuất khẩu đạt 1,32 tỷ USD (chiếm  41% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các KCN- KKT phía Bắc và bằng 44% kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội), thu hút hơn 95 nghìn lao động.

Những vấn đề đặt ra không nhỏ

Mặc dù các KCN- KKT đã có những đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố nhưng đánh giá chung của các thành viên trong CLB thì các KCN- KKT phía bắc vẫn tồn tại những hạ chế về công nghệ làm cho khoảng cách phát triển của nước ta vẫn còn một khoảng cách không nhỏ với nhiều nước trên thế giới. Điều này bên cạnh những hạn chế về nội tại phát triển còn phải kể đến những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, điều kiện môi trường để các KCN- KKT thu hút các ngành công nghệ, trình độ cao, giá trị gia tăng lớn.

Ông Nguyễn Xuân Chính (Trưởng ban quản lý các KCN- CX Hà Nội, phó chủ nhiệm CLB) đánh giá, thực tế các KCN- KKT hiện mới chỉ có hơn 60% đơn vị hoạt động, phần còn  lại thuộc diện KCN đang xây dựng dở dang hoặc mới thành lập theo quy hoạch. Tình trạng sử dụng đất còn chưa hợp lý, nhiều công trình xây dựng chậm tiến độ gây lãng phí vốn không nhỏ... Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần, điều kiện ăn, ở, lao động, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí cho công nhân trong các doanh nghiệp trong KCN còn không ít hạn chế.

Bên cạnh đó, qua công tác triển khai hoạt động, đến nay việc ủy quyền một số lĩnh vực, mặt hoạt động của nhiều cơ quan chức năng cho ban quản lý các KCN- KKT còn chậm nên các ban quản lý vẫn chưa thể là cơ quan tập trung đầu mối giải quyết những phát sinh trong quản lý, vận hành, thu hút đầu tư... vào các KCN- KCX. Một ví dụ là công tác quản lý môi trường, vấn đề nổi cộm hiện nay trong hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN nhưng đến nay ban quản lý các KCN- KCX chỉ tham gia với tư cách phối hợp nên công tác quản lý không những bị chồng chéo mà còn thiếu hẳn sự chủ động xử lý kịp thời các phát sinh về môi trường. Đó là chưa kể đến những tồn tại trong công tác phân cấp quản lý quy hoạch, quản lý và thực hiện các dự án đầu tư, GPMB, xây dựng bên trong các KCN- KKT... Đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, phát triển các tổ chức đoàn thể xã hội trong doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN- KKT...