Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả của mối quan hệ này, các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức, trong đó có những quy định chặt chẽ về pháp luật của nước sở tại.
Tại diễn đàn “Thúc đẩy giao thương Việt Nam – Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới” vừa được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích cho doanh nghiệp Việt.
Tăng trưởng thương mại ngày càng lớn
Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai quốc gia đã trở thành đối tác toàn diện từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến giáo dục, khoa học - công nghệ... Nhờ vậy, hợp tác thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Năm 2020, lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt mốc 90 tỷ USD, hiện đang hướng tới 100 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á ký hiệp định khung về thương mại và đầu tư với Hoa Kỳ (TIFA). Rất nhiều cơ hội đầu tư thương mại giữa hai nước được mở ra khi có đường bay thẳng thường lệ của Vietnam Airlines đến quốc gia này.
Tính chung trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ tập trung vào nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Do đó, mặc dù dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu nhưng năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ vượt mốc 90 tỷ USD, đạt 90,8 tỷ USD.
Thương mại đã trở thành một trụ cột của mối quan hệ song phương ngày càng phát triển của hai nước. Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Mỹ với thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng, tăng trưởng tích cực, chính sách thông thoáng, kết nối chặt chẽ với thị trường ASEAN và nhiều thị trường lớn trên thế giới nhờ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là tín hiệu tích cực, bởi đây là thị trường rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng. Giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng lên thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam lập nhà máy và gia tăng lượng hàng từ các nhà cung ứng Hoa Kỳ.
Hóa giải thách thức phòng vệ thương mại
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội vẫn còn những thách thức đang chờ đón. Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều tình huống để doanh nghiệp Việt Nam nhận biết và chủ động hóa giải. Trong đó, vấn đề đáng lưu ý nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với đối tác Hoa Kỳ chính là vấn đề gian lận thương mại.
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, Hoa Kỳ đã triển khai nhiều chính sách bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, như tăng số vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 8 vụ với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI gợi ý cho các doanh nghiệp Việt Nam tránh ''bẫy'' phòng vệ thương mại |
Chính vì vậy, để khai thác được những tiềm năng và cơ hội trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt cần gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời phải xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hoa Kỳ. Một trong những điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết từ các FTAs của Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ và các quy định có liên quan.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, các doanh nghiệp Việt Nam cần giữ tâm thế thượng tôn pháp luật khi giao thương với Hoa Kỳ. Lý do Luật sư Trương Thanh Đức đưa ra là, thứ nhất, phòng vệ thương mại là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia nói chung và của Hoa Kỳ nói riêng, với mục đích nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Thứ hai, phòng vệ thương mại là việc phòng chống và tự vệ, nhằm ngăn chặn và hạn chế nhập khẩu hàng hoá, bao gồm 4 biện pháp: Chống bán phá giá; chống trợ cấp; biện pháp tự vệ và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Thứ ba, phòng vệ thương mại chỉ áp dụng với hàng hoá, không áp dụng với dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Thứ tư, biện pháp phòng vệ có thể là do nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam và Việt Nam áp dụng với nước ngoài, quan trọng nhất là tăng thuế đối với hàng hoá nhập khẩu.
Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức cũng lưu ý đến hậu quả của việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ ảnh hưởng xấu đến lợi ích của một vài doanh nghiệp mà gây thiệt hại đến cả ngành và cả quốc gia. Chính vì thế, để tránh mắc “bẫy” phòng vệ thương mại, Luật sư Trương Thanh Đức đã đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp Việt, bao gồm: Thứ nhất, các doanh nghiệp cần tìm hiểu pháp luật và các hiệp định thương mại về phòng vệ thương mại; Luật Quản lý Ngoại thương và 3 pháp lệnh.
Thứ hai, cân nhắc khi nhận trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước trong các lĩnh vực cạnh tranh xuất khẩu giá thấp, nhất là sự mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Thứ ba, không tiếp tay xuất nhập khẩu cho hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ mờ ám, đội lốt, không rõ ràng. Thứ tư, khi có vấn đề xảy ra, hai bên cần hợp tác giải quyết.
Ngày 28/11, chuyến bay mang số hiệu VN98 của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã hạ cánh tại sân bay San Francisco, trở thành chuyến bay lịch sử đánh dấu sự kiện đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức được khai mở. Theo đó, chuyến bay đã khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20 giờ 57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco lúc 19 giờ 42 ngày 28/11 (giờ địa phương, tức 10 giờ 42 sáng ngày 29/11 giờ Việt Nam). Tổng thời gian bay thẳng không điểm dừng từ TP Hồ Chí Minh đến San Francisco là 13 tiếng 45 phút. Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, hiện tại Vietnam Airlines khai thác thường lệ 2 chuyến/tuần giữa TP Hồ Chí Minh và San Francisco. Hãng dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. |