Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn Việt - Nhật: Nỗ lực vì hợp tác kinh tế khu vực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại "Diễn đàn hội nhập kinh tế khu vực tại các nước Đông Á" do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức chiều 12/7, ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Tính đến tháng 5/2013, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất trong gần 100 quốc gia lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam.

 Diễn đàn lần này thu hút hàng ngàn đại biểu DN trong và ngoài nước tham gia cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng với thị trường Việt Nam.

 Theo khảo sát của Jetro, thương mại hai chiều Nhật - Việt ngày càng mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu (XK) từ Việt Nam sang Nhật Bản đã đạt 13 triệu 060 ngàn USD năm 2012, tăng hơn gấp đôi so với năm 2009. Trong đó, đáng chú ý có các mặt hàng tăng trưởng XK mạnh như dầu mỏ tăng trên 5 lần, máy móc linh kiện tăng 7 lần, giày dép tăng gần 2,7 lần… Việt Nam nhập khẩu (NK) từ Nhật Bản các loại sắt phế liệu, vải dệt, linh kiện ô tô… với tổng kim ngạch 11 triệu 603 ngàn USD, tăng 55,4% so với 3 năm trước đó.

Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp của DN Nhật Bản tại Việt Nam đang ngày càng tăng, trong đó năm 2012 là thời điểm bùng nổ với 317 dự án đầu tư mới vào Việt Nam. "Trong khi tiền lương tại Trung Quốc cũng như các nước lân cận ngày càng tăng, Việt Nam với nguồn dân số dồi dào đang là địa điểm hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản. Hai nền kinh tế Việt - Nhật bổ trợ lẫn nhau rất tích cực. Hy vọng Việt Nam sẽ là đầu mối trung gian hiệu quả để XK các linh phụ kiện trong khu vực" - Ông Ishige Hiroyuki - Chủ tịch Jetro chia sẻ.

Tuy nhiên, trong điều kiện các nước ASEAN đang nỗ lực hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tận dụng tốt hơn quá trình hội nhập kinh tế tại các nước Đông Á, trong đó có Nhật Bản. Một vấn đề rất đáng lưu tâm đối với các DN Việt Nam đang hợp tác với DN Nhật Bản là, trong khi tỷ lệ nội địa hóa của các DN Nhật tại Trung Quốc là trên 60%, tại Thái Lan gần 53%, tại Indonesia và Malaysia đều trên 42%... thì tỷ lệ này tại Việt Nam mới đạt 27,9%.

Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam cần tập trung cải thiện ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó dành nhiều ưu đãi hơn cho DN đào tạo nhân lực. Cùng với đó, ông Hiroyuki cho rằng hai điểm then chốt để Việt Nam thu hút mạnh đầu tư nước ngoài chính là trang bị tốt cho cơ sở hạ tầng phần cứng, giao thông… và quan tâm đào tạo nhân tài ngành CN.

Về phía DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Panasonic Việt Nam Sugiura Naoki cho rằng, hiện các cơ quan, ban, ngành có xu hướng tăng cường quy chế riêng, mở rộng những hạng mục cần xin giấy phép, nên việc thực hiện thủ tục hành chính trở nên phức tạp ngay cả trong ASEAN. Vì vậy, rất khó triển khai các dự án mang tính cơ động có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, ông Naoki đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực cải cách các quy chế trong nước như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống hóa và điều chỉnh các điều luật đang không hiệu quả hay có sự mâu thuẫn.