Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện Kính Thiên hé lộ những dấu tích mới

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần một năm khai quật thăm dò và nghiên cứu chỉnh lý, ngày 16/5, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tổ chức Hội thảo “Báo cáo sơ bộ kết quả năm 2018”.

 Khu vực khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn.

Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã phối hợp tiến hành khai quật tại khu vực phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 1000m2. "Cuộc khai quật đã làm xuất lộ một số dấu tích kiến trúc thuộc các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ và Lê Trung Hưng. Các dấu tích kiến trúc này đã bị phá hủy phần lớn bởi một ngòi nước sâu, có móng kè đá, tường gạch vồ quy mô rất lớn và kiên cố có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Năm nay, hố khai quật còn xuất lộ dấu tích chân móng kiến trúc xây bằng đá, hiện chưa rõ chức năng nhưng rất kiên cố cho thấy vị trí quan trọng của khu vực Kính Thiên" - PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết.
Nếu các chuyên gia giải mã được bản đồ Hồng Đức thì sẽ làm rõ được quy mô điện Ngọc Hà. Tôi tin những gì phát hiện được trong lần khai quật này chính là một phần móng của điện Ngọc Hà. Và nếu tìm ra được dấu tích của điện Ngọc Hà thì sẽ làm rõ được trục trung tâm của cấm thành Thăng Long dưới thời Trần.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học tìm thấy nhiều loại hình khác nhau gồm đồ đất nung, đồ gốm, cấu kiện gỗ, đồ kim loại. Trong đó số lượng lớn là gạch ngói, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng (hoàng lưu ly) và men xanh (thanh lưu ly) thuộc thời Lê sơ (thế kỷ XV - XVII). Những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại “Ngói rồng” lợp mái cung điện trong khu vực chính điện Kính Thiên của Hoàng đế Lê sơ. GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản cho rằng, kết quả khai quật góp phần hiểu rõ hơn về kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Đông Bắc chính điện Kính Thiên và góp thêm tư liệu mới để phục vụ dự án nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên. Cùng với di tích đường nước thời Lý, Trần, hành lang thời Lê sơ và Lê Trung Hưng tại khu vực này có thêm một di tích hồ, ao và đường móng đá, là những gợi ý tốt cho hướng nghiên cứu giới hạn của các trung tâm khu vực qua các thời Lý – Trần.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học cũng nêu ra nhiều băn khoăn, lo lắng. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, tại đợt khai quật ở tầng văn thời Lê Trung Hưng còn có dấu tích móng đá xếp gạch phía trên, có thể là một loại hình hồ, ao trong Hoàng cung. Tuy nhiên, phạm vi phân bố của dòng chảy này, dấu tích thu hẹp và uốn rẽ vào vách Tây có ý nghĩa ra sao? Chỉnh thể dấu tích kênh đào và dấu tích móng đá phía Nam có mối tương quan thế nào đang được tiếp tục làm rõ? Trước những băn khoăn này, theo PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành bày tỏ: “Cái tôi mong đợi là có một chương trình nghiên cứu để đánh giá quy hoạch mặt bằng tổng thể thời Lê Trung Hưng mà trong quá trình khai quật đã phát lộ”. Đồng quan điểm, theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, cuộc khai quật lần này đã đạt được thành công trong việc làm rõ bản đồ Hồng Đức. Đây là bản đồ đưa ra nhiều tư liệu lịch sử về Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung Hưng ở thế kỷ thứ XVII. Nếu soi vào bản đồ Hồng Đức chúng ta sẽ thấy rõ, phía phải của hướng Đông điện Kính Thiên có chữ “Ngọc Hà”, ở phía trái là chữ “Chí Kính”. Điều đó cho thấy, hệ thống nước có ở khu vực này từ rất sớm nhưng đã được cải tạo rất nhiều. Đến thời Lê Trung Hưng, chắc chắn phía trước điện Ngọc Hà có một dòng sông hoặc một cái hồ.