Mất vị trí dẫn đầu vào tay Thái Lan
Tại SEA Games 32, Điền kinh Việt Nam được giao nhiệm vụ đạt từ khoảng 14 đến 16 HCV và giữ vững vị trí số 1 sau khi lập kỷ lục tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà. Khép lại những ngày tranh tài trên đất Campuchia, Điền kinh Việt Nam giành được 12 HCV. Nhìn lại những ngày tranh tài của điền kinh Việt Nam, các nội dung đã mang về 12 tấm HCV gồm: Nguyễn Trung Cường (3.000m chướng ngại vật nam), tổ tiếp sức hỗn hợp 4x400m, Huỳnh Thị Mỹ Tiên (100m rào nữ), Nguyễn Thị Oanh (1.500m nữ, 5.000m nữ, 3.000m chướng ngại vật nữ và 10.000m nữ), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ), Nguyễn Thị Huyền (400m rào nữ), Nguyễn Thị Thu Hà (800m nữ), Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp) và tổ tiếp sức 4x400m nữ. Đáng chú ý, trong tất cả các thành tích HCV, 2 nội dung là có sự tranh tài của các tuyển thủ nam gồm 3.000m chướng ngại vật nam và tiếp sức hỗn hợp 4x400m.
Với 12 tấm HCV giành được, điền kinh Việt Nam không hoàn thành mục tiêu đề ra (giành 14 - 16 HCV). Sau hai năm thống trị, môn thể thao nữ hoàng đã phải đổi chủ khi Thái Lan giành vị trí nhất toàn đoàn với 16 HCV. Trước đó, SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, điền kinh Việt Nam đã tạo nên kỳ tích khi giành đến 22 HCV, bỏ xa đoàn đứng thứ hai là Thái Lan (12 HCV). Còn tại SEA Games 30 năm 2019 diễn ra ở Philippines, điền kinh Việt Nam cũng thống lĩnh vị trí số 1 Đông Nam Á khi giành đến 16 HCV, xếp trên đoàn Thái Lan (12 HCV).
Nguyên nhân khiến Điền kinh Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu là bởi có nhiều nội dung các VĐV đã thi đấu không tốt và để mất HCV như: 400m nam, nhảy xa nam - nữ, 400m nữ, marathon nam, ném lao... Tiếp đến là ĐKVĐ nội dung 5.000m nam, 10.000m nam Nguyễn Văn Lai giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Ngoài ra, việc mất đi 5 VĐV vì có kết quả dương tính với doping sau SEA Games 31 và bị cấm thi đấu ảnh hưởng không nhỏ tới đội.
Điểm sáng từ Nguyễn Thị Oanh
SEA Games 32 khép lại, Điền kinh Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện, điền kinh Việt Nam vẫn xứng đáng được khen ngợi với những gì đã thể hiện.
Nguyễn Thị Oanh là điểm sáng lớn nhất tại SEA Games 32. Cô gái người Bắc Giang giành 4 HCV để góp vào thành tích chung của đội cũng như Đoàn thể thao Việt Nam. Đáng chú ý, 4 nội dung của Nguyễn Thị Oanh thi đấu đề ở cự ly dài (1.500m nữ, 5.000m nữ, 3.000m chướng ngại vật nữ, 10.000m nữ) và phải vượt qua thử thách về thời tiết, thời gian xếp lịch thi đấu đến từ nước chủ nhà.
Việc Nguyễn Thị Oanh mang về 4 HCV cho Điền kinh Việt Nam ở SEA Games 32 là kỳ tích. Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Oanh là hiện tượng đặc biệt và là tấm gương để các VĐV khác trong tập luyện cũng như thi đấu: "Nguyễn Thị Oanh đã truyền cảm hứng rất tốt đến cho các VĐV ở mọi bộ môn nói chung, cho cộng đồng chạy bộ đang rất phát triển ở Việt Nam nói riêng. Không phải chỉ cá nhân tôi mà toàn bộ thành viên Đoàn thể thao Việt Nam, báo chí nước ngoài đều khâm phục cô gái nhỏ bé đã làm được điều phi thường. Đây là niềm tự hào rất lớn của điền kinh Việt Nam và thể thao Việt Nam".
"Khi đứng chờ tiếp gậy, nữ VĐV của Việt Nam luôn đứng cao hơn nữ các nước khác 10m. Lý do vì nam mạnh hơn nên sẽ chạy quãng đường của mình thêm 10m nữa để gánh hộ hai VĐV nữ" - VĐV Trần Nhật Hoàng.
Trong khi đó, ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m hỗn hợp, bốn VĐV Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn và Nguyễn Thị Huyền đã mang về tấm HCV đầu tiên cho Điền kinh Việt Nam và đòi lại "món nợ" cách đây 1 năm khi thua trên sân nhà.
Điều đáng nói, các chân chạy Việt Nam sử dụng chiến thuật hợp lý, khi đứng chờ nhận gậy, hai chân chạy nữ của Việt Nam đứng xa hơn những chân chạy còn lại khoảng 10m. Các VĐV nam sẽ chạy hơn 400m để gánh thêm 10m cho các VĐV nữ, từ đó giúp VĐV nữ có thêm thể lực bứt tốc ở lượt chạy của mình.
Với 12 tấm HCV giành được, Điền kinh Việt Nam mang đến 12 dấu ấn khác nhau cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Mỗi tấm HCV đều góp phần vào thành tích chung nhưng việc thất bại là điều không tránh khỏi. Người hâm mộ tiếp tục kỳ vọng sau SEA Games 32, điền kinh Việt Nam có sự cân chỉnh, đầu tư tốt hơn để bùng nổ ở các giải đấu tiếp theo và đặc biệt là SEA Games 33 diễn ra năm 2025 tại Thái Lan.