Điền kinh Việt Nam với áp lực giữ vị trí số 1 tại SEA Games 32

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điền kinh Việt Nam giữ vững vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á trong những năm qua, trong đó nhiều nội dung thế mạnh luôn được duy trì.

Tuy nhiên, áp lực để giữ vững vị trí số 1 ở kỳ SEA Games 32 sắp tới là không nhỏ khi điền kinh Việt Nam vắng mặt nhiều ngôi sao đã thiết lập được thành tích cao cũng như tên tuổi vì những lý do khác nhau.

Điểm sáng nhỏ từ các nhân tố trẻ

Khép lại kỳ SEA Games 31 thành công khi giữ vững vị trí số 1 trong khu vực, điền kinh Việt Nam tiếp tục hướng đến các giải đấu quan trọng trong năm 2023, trong đó có SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia vào tháng 5. Theo như danh sách của Tổng cục TDTT, thể thao Việt Nam đã thành lập danh sách 599 HLV, VĐV trọng điểm hướng tới SEA Games 32. Trong đó, điền kinh Việt Nam được triệu tập với số lượng đông đảo gồm 79 thành viên. Tuy nhiên,  danh sách này có khá nhiều sự thay đổi trong lực lượng nhân sự khi một số nhà vô địch SEA Games 31 không có tên như: Nguyễn Văn Lai (HCV 5.000m và 10.000m), Quách Thị Lan (HCV 400m rào nữ, 4x400m nữ), Khuất Phương Anh (HCV 800m nữ), Lò Thị Hoàng (HCV ném lao nữ)… Đáng tiếc nhất là trường hợp của VĐV Lò Thị Hoàng khi cô gặp chấn thương đứt dây chằng chéo trước đầu gối tại Đại hội thể thao toàn quốc lần IX.

Bùi Thị Ngân (ngồi bên trái) và Nguyễn Thị Thu Hà (đứng bên phải) là 2 VĐV được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành tích của đàn chị ở nội dung 800m nữ. Ảnh: Hoàng Hải Thịnh.
Bùi Thị Ngân (ngồi bên trái) và Nguyễn Thị Thu Hà (đứng bên phải) là 2 VĐV được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành tích của đàn chị ở nội dung 800m nữ. Ảnh: Hoàng Hải Thịnh.

Bên cạnh đó, ở nội dung 800m nữ sẽ không còn sự góp mặt của hai VĐV Đinh Thị Bích (HCV tại SEA Games 30) và Khuất Phương Anh (HCV tại SEA Games 31) vì những lý do khác nhau. Thay vào đó là hai nhân tố trẻ đầy triển vọng Bùi Thị Ngân (2001) và Nguyễn Thị Thu Hà (2002). Theo đánh giá của giới chuyên cho nội dung 800m, hai tài năng trẻ Bùi Thị Ngân và Nguyễn Thị Thu Hà hội tụ đủ các yếu tố cần có của nội dung như: Thể hình, tố chất, sự dẻo dai, sức mạnh, tốc độ đoạn cuối tốt hơn so với hai VĐV đàn chị đã “thống trị” nội dung ở hai kỳ Đại hội liên tiếp vừa qua.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX diễn ra cuối năm 2022 vừa qua, Bùi Thị Ngân và Nguyễn Thị Thu Hà giành hai vị trí đứng đầu nội dung 800m nữ với thành tích lần lượt là 2 phút 08 giây 43 thuộc về Bùi Thị Ngân và 2 phút 09 giây 54 thuộc về Nguyễn Thị Thu Hà. Thành tích này của hai tài năng trẻ lần lượt vượt qua và tiệm cận thành tích của VĐV Khuất Phương Anh khi giành HCV tại SEA Games 31 vừa qua (2 phút 08 giây 74). Hiện tại, Bùi Thị Ngân và Nguyễn Thị Thu Hà đang trong giai đoạn tập huấn ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Theo HLV đội tuyển Điền kinh Hồ Thị Từ Tâm, mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của hai VĐV trẻ tại SEA Games 32 là phấn đấu giữ vững ngôi vị của Điền kinh Việt Nam ở nội dung 800m nữ nhưng không dễ dàng khi các nước có sự đầu tư mạnh trong thời gian qua.khẳng định thành tích là rất khó.

"Cả tôi và 2 VĐV sẽ cùng nỗ lực hết mình để đạt được thành tích tốt nhất. Tôi vẫn luôn động viên các VĐV biến áp lực thành động lực để thành công" - HLV Hồ Thị Từ Tâm chia sẻ.

VĐV Nguyễn Trung Cường (số 211) đang là niềm hy vọng lớn cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: Ngọc Tú.
VĐV Nguyễn Trung Cường (số 211) đang là niềm hy vọng lớn cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: Ngọc Tú.

Ngoài Bùi Thị Ngân và Nguyễn Thị Thu Hà, điền kinh Việt Nam còn đặt niềm tin vào các “chân chạy” như Nguyễn Trung Cường, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh và sự trở lại của  “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh sau gần một năm nghỉ thi đấu để chữa trị và hồi phục sau phẫu thuật chấn thương.

Khó khăn bảo vệ vị trí số 1

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, dự kiến thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 sẽ tranh tài 30/36 môn thi và 444/583 nội dung và đặt mục tiêu vào top 3. Với những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung, điền kinh Việt Nam được xem như “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam. Ở SEA Games 31, điền kinh Việt Nam đặt chỉ tiêu từ 15-17 HCV, nhưng với sự chuẩn bị tốt và điểm rơi phong độ cao, các VĐV đã giành 22 HCV để đứng nhất toàn đoàn. Thành tích này phải kể đến bất ngờ từ cô gái dân tộc Thái Lò Thị Hoàng (ném lao), Hoàng Nguyên Thanh (marathon), cô gái Mường Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp) hay Bùi Thị Nguyên (100m rào).

Áp lực sẽ đặt lên chân chạy ở các cự ly trung bình Nguyễn Thị Oanh ở các nội 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật tại SEA Games 32. Ảnh: Ngọc Tú.
Áp lực sẽ đặt lên chân chạy ở các cự ly trung bình Nguyễn Thị Oanh ở các nội 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật tại SEA Games 32. Ảnh: Ngọc Tú.

Theo như nhận định, sau khi xét tổng thể những yếu tố, nhiều khả năng tại SEA Games 32 điền kinh Việt Nam vẫn được giao chỉ tiêu HCV như kỳ Đại hội diễn ra trên sân nhà.

Đây là một thách thức không nhỏ đối với điền kinh Việt Nam, áp lực sẽ đặt lên nhà vô địch ở các cự ly trung bình Nguyễn Thị Oanh ở các nội 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật, Lê Tú Chinh ở 3 nội dung nữ 100m, 200m, tiếp sức 4x100m và Nguyễn Trung Cường thi 3.000m nam vượt chướng ngại vật.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Huyền vẫn là chân chạy tốt ở cự ly 400m rào nữ thay Quách Thị Lan. Không dễ để điền kinh Việt Nam giữ được vị trí số 1 tại kỳ Đại hội sắp tới, khi việc tập huấn nước ngoài đang gặp những khó khăn.

Ngoài bốn tuyển thủ được xuất ngoại tham dự Giải điền kinh trong nhà châu Á 2023, điền kinh Việt Nam mới chỉ có kế hoạch tập huấn trong nước. Đặc biệt, trong những năm qua các nội dung sở trường như 400m, 800m hay 4x400m nam đều không mang về thành tích cao, cũng như "trắng tay" ở hai nội dung của cả nam và nữ được quan tâm nhiều nhất là 100m và 200m.

“SEA Games 32 là đại hội khó khăn với thể thao Việt Nam. Các bộ môn dự báo chính xác, sát thực tế về thành tích và số huy chương của các VĐV và mỗi bộ môn. Ngoài chuẩn bị và đánh giá về chuyên môn, công tác phòng chống doping cũng phải được làm chặt chẽ để không có sự cố đáng tiếc xảy ra với đoàn thể thao Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương nhận định.