Điện Kremlin: Nga chưa bao giờ sử dụng năng lượng làm công cụ gây áp lực chính trị

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng Nga chưa bao giờ sử dụng các nguồn năng lượng như một công cụ để gây áp lực chính trị.

Phát biểu với báo chí hôm 22/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga đã và vẫn là quốc gia giữ vai trò bảo đảm an ninh năng lượng ở châu Âu cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới.
 Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
"Nga luôn luôn và vẫn là nước đóng vai trò giữ ổn định về an ninh năng lượng của châu Âu, thậm chí cả trên phạm vi toàn cầu”- người phát ngôn Peskov cho hay.
Ông Peskov lưu ý rằng nội dung thỏa thuận Mỹ - Đức về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đã đề cập đến khả năng Nga sẽ sử dụng năng lượng như một vũ khí và một công cụ để gây áp lực chính trị.
Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố rằng Nga chưa bao giờ sử dụng các nguồn năng lượng như một công cụ để gây áp lực chính trị.
Theo ông Peskov, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẵn sàng thảo luận về việc gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine sau năm 2024. "Đây chỉ là vấn đề về tính khả thi kinh tế và lợi nhuận" – người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.
Trước đó, hôm 21/7, Đức và Mỹ thông báo đạt được thỏa thuận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2, trong đó cảnh báo sẽ trừng phạt Nga nếu nước này sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị để gây tổn hại đến an ninh của Ukraine hay bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác.
Ukraine nhiều lần lên tiếng phản đối xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga khi nói rằng dự án là mối đe dọa đối với an ninh và an ninh năng lượng của châu Âu. Kiev lo ngại Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại nước này và mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt sau khi dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa vào vận hành.
Theo thỏa thuận được công bố ngày 21/7, Đức và Mỹ nhất trí hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine (theo kế hoạch hết hiệu lực vào năm 2024), kéo dài thêm 10 năm nữa. Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt của Nga cũng như doanh thu trung chuyển khí đốt. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần