Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin RIA Novosti, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh Moscow lấy làm tiếc và bày tỏ phản đối động thái của EU.
Ông Peskov đã nhắc tới nguyên tắc "có đi có lại", ám chỉ rằng Nga có thể sẽ có các hành động đáp trả việc EU quyết định mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Thông báo của Điện Kremlin ngày 28/6 nhấn mạnh, “EU đã mở rộng lệnh trừng phạt đối với Nga, do đó Moscow cũng sẽ bảo lưu quyền đưa ra các biện pháp trả đũa. Về mặt chính trị, mỗi hành động đều có phản ứng tương xứng”.
Văn phòng Tổng thống Nga đưa ra tuyên bố sau khi cùng ngày, EU đã chính thức gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì đã không thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk đến hết ngày 31/1/2018.
Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) hồi tuần trước sau khi Pháp và Đức nhận định không có tiến triển trong nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine vốn cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người kể từ tháng 4/2014.
Theo giới chuyên gia, các nước phương Tây đã thiệt hại tới 100 tỷ USD sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cao gấp đôi mức tổn thất kinh tế của Nga.
Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hợp quốc chuyên nghiên cứu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương, Idriss Jazairy, cho biết tính trung bình, các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho các nước áp đặt lệnh trừng phạt 3,2 tỷ USD/tháng. Trong khi đó, Nga mất khoảng 52-55 tỷ USD, tương đương 1% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.