Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện Kremlin phủ nhận "hiện diện quân sự" Nga ở châu Phi

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi dự kiến sẽ được tổ chức với khẩu hiệu “Vì Hòa bình, An ninh và Phát triển” – sự kiện tổ chức lần đầu vào tháng 10 năm 2019.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 27-28 tháng 7 tại St. Petersburg, Tổng thống Vladimir Putin đã giải thích trong một bài báo đăng trên trang web của Điện Kremlin rằng Moscow sẽ tiếp tục hỗ trợ các cách thức chiến lược để thiết lập hòa bình bền vững và ổn định chính trị trong xung đột tại các nước Châu Phi.

Oleg Ozerov, Đại sứ tại Bộ Ngoại giao Nga, Trưởng ban Thư ký Diễn đàn Đối tác Nga-Châu Phi. Ảnh: MFA.ru
Oleg Ozerov, Đại sứ tại Bộ Ngoại giao Nga, Trưởng ban Thư ký Diễn đàn Đối tác Nga-Châu Phi. Ảnh: MFA.ru

Trong diễn biến liên quan, Oleg Ozerov, Đại sứ tại Bộ Ngoại giao Nga, Trưởng ban Thư ký Diễn đàn Đối tác Nga-Châu Phi, trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti đã chỉ rõ ràng rằng Nga không có căn cứ quân sự cũng như quân đội ở châu Phi. 

“Chúng tôi không có sự hiện diện quân sự ở đó. Có những lời kêu gọi phía Nga giúp đỡ trong việc đảm bảo an ninh. Sự hiện diện của quân đội là khi quân đội được điều đi. Chúng tôi gửi người hướng dẫn theo yêu cầu của chính các quốc gia châu Phi. Nhưng tất cả những điều này không phải là sự hiện diện quân sự,” Đại sứ Ozerov khẳng định.

Nhà ngoại gia này cũng khẳng định, đối với cuộc chiến chống khủng bố, cũng cần phải xây dựng chính xác hơn.

"Chúng ta không chỉ nói về cuộc chiến chống khủng bố ở châu Phi, mà nói về cuộc chiến chung chống khủng bố, có tính chất xuyên biên giới, đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với lục địa châu Phi: Ở Somalia, khu vực Sahara-Sahel, nơi có các tổ chức khủng bố như ISIS và Al-Qaeda,” nhà ngoại giao nói thêm trong cuộc phỏng vấn.

Trong thảo luận trước hội nghị thượng đỉnh, Giám đốc điều hành của cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport Alexander Mikheev cho biết cơ quan này đã ký kết hơn 150 hợp đồng quân sự với các nước châu Phi, đơn đặt hàng trị giá hơn 10 tỷ USD kể từ năm 2019.

Đối với Rosoboronexport, hội nghị thượng đỉnh tháng 7 là một sự kiện độc đáo cho phép tìm kiếm những cơ hội phát triển mới trong hợp tác quân sự với các đối tác, tìm kiếm khách hàng đáng tin cậy và bắt đầu phát triển các phân khúc thị trường mới, đặc biệt là các quốc gia châu Phi đang bị xung đột và chiến tranh tàn phá. Theo ông, Moscow sẵn sàng hỗ trợ với nguồn cung cấp liên tục để chống lại chủ nghĩa khủng bố, tội phạm và tất cả các loại mối đe dọa đang gia tăng ở châu lục này.

Trước lo ngại về sự trỗi dậy mới của chủ nghĩa khủng bố, các quốc gia Sahel-5 đang hướng về Nga. Sau khi quyền lực chính trị đổi chủ ở Mali, một thuộc địa cũ của Pháp với nền kinh tế rạn nứt và là nơi sản sinh ra các nhóm thánh chiến Hồi giáo có vũ trang, Nga đã đề nghị hỗ trợ thường xuyên hơn.

Mặt khác, việc Moscow ráo riết thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự cho thấy mong muốn đảm bảo khả năng phòng thủ của mình, nhất là trước mối đe dọa khủng bố đang dai dẳng trong khu vực.

Theo một số báo cáo, đặc biệt là từ Associated Press, AFP, Reuters và DW cũng như BBC, chính quyền Mali đã có một thỏa thuận với công ty quân sự tư nhân Nga Wagner Group thay thế quân đội Pháp. Theo Reuters, hợp đồng có thể trị giá tới 10,8 triệu USD/tháng. Mali đã nhận các thiết bị quân sự và hàng trăm chuyên gia và giảng viên quân sự Nga đã được điều đến đây hoạt động.