Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 45 năm thành lập huyện Sóc Sơn (1977 - 2022) và đón Bằng công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”:

Diện mạo mới, kỳ vọng mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở phía Bắc của Thủ đô, huyện Sóc Sơn là địa phương có xuất phát điểm thấp khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thời điểm hơn 10 năm về trước.

Dù vậy đến nay, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay, góp sức của các tầng lớp Nhân dân, huyện Sóc Sơn đã về đích nông thôn mới.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Nhớ lại thời điểm hơn 10 năm về trước, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, địa phương mới đạt 5/19 tiêu chí; 8/19 tiêu chí đạt trên 50%, còn lại 6/19 tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp. Đời sống của người dân còn nhiều hạn chế; năm 2010, thu nhập bình quân cư dân nông thôn mới đạt 18,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 15%.

Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn thăm mô hình chè an toàn tại xã Bắc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng
Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn thăm mô hình chè an toàn tại xã Bắc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29/8/2011. Trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Thành uỷ Hà Nội, Huyện ủy Sóc Sơn đã tổ chức hội nghị quán triệt nội dung bộ tiêu chí quốc gia và các văn bản tổ chức thực hiện đến toàn thể đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn huyện, các chi, Đảng bộ trực thuộc huyện, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân biết để thực hiện.

Cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo của T.Ư và TP Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, huyện Sóc Sơn đã ban hành hơn 300 văn bản, bao gồm các đề án, nghị quyết, quyết định, kế hoạch và các công văn chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện. Đồng thời, chọn xã Mai Đình là địa phương thực hiện điểm xây dựng nông thôn mới, xác định dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở nghiêm túc tiếp thu, triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân. Các phong trào thi đua được lan toả rộng khắp, tạo khí thế sôi nổi trong toàn huyện nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới” - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết.

Cùng với việc triển khai đồng bộ các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của T.Ư, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn về nguồn lực. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực, chủ động đa dạng hoá thông tin, tuyên truyền nhằm kêu gọi sự ủng hộ, vào cuộc của các tổ chức, DN và đông đảo tầng lớp Nhân dân.

Thống kê trong giai đoạn 2010 - 2021, tổng nguồn vốn huyện Sóc Sơn đã
huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vào khoảng 4.420 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí do TP Hà Nội hỗ trợ là hơn 930 tỷ đồng, các tầng lớp Nhân dân đóng góp gần 512 tỷ đồng; còn lại là ngân sách T.Ư, các tổ chức, DN hỗ trợ và vốn dự án lồng ghép.

Hoàn thành mục tiêu “Huyện nông thôn mới”

Với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp, công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Diện mạo nông thôn, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện qua từng năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, năm 2013, xã Mai Đình trở thành địa phương đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới. Kể từ đó đến nay, việc hoàn thành mục tiêu nông thôn mới tiếp tục được duy trì đều đặn qua các năm, bảo đảm đúng kế hoạch và chỉ tiêu TP Hà Nội giao.

Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 25/25 xã của huyện Sóc Sơn đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sóc Sơn cũng đã đạt 9/9 tiêu chí Huyện nông thôn mới. Tháng 4/2021, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà vui mừng, phấn khởi khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 (theo Quyết định số 546/QĐ-TTg).

Cùng với việc hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới, việc phát triển sản xuất nông nghiệp cũng đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác tăng nhanh qua từng năm. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Bên cạnh đời sống tinh thần không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn cũng từng bước được cải thiện, đến đầu năm 2022 đã đạt gần 54 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, từ cuối năm 2021, huyện Sóc Sơn đã không còn hộ nghèo (theo tiêu chí đánh giá của giai đoạn 2016 - 2020).

Đưa huyện Sóc Sơn trở thành vùng phát triển

Giai đoạn 2021 - 2025, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người nông dân, tiếp tục được huyện Sóc Sơn xác định là nhiệm vụ chính trị - xã hội trọng tâm, xuyên suốt, cần được quan tâm, thực hiện thường xuyên.

Ngay sau thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sóc Sơn khoá XII, Huyện ủy đã xây dựng nhiều chương trình công tác để tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, Huyện ủy Sóc Sơn đã xây dựng và ban hành Chương trình số 02-CTr/HU với mục tiêu phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, Huyện ủy Sóc Sơn tiếp tục ban hành nhiều đề án, kế hoạch để chỉ đạo tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị.

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Từ đó chung sức, đồng lòng cùng các cấp chính quyền triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi Chương trình số 02-CTr/HU của Huyện ủy Sóc Sơn.

Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị, nhất là các công trình phục vụ dân sinh và sản xuất. Duy trì, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh trên địa bàn; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh…

Huyện Sóc Sơn cũng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở. Tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Duy trì, mở rộng, hình thành các điểm du lịch du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch trải nghiệm trên địa bàn…

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu của T.Ư và TP Hà Nội, kết hợp kinh phí huy động được từ xã hội hóa trong Nhân dân để tạo nguồn lực tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đưa huyện Sóc Sơn trở thành vùng phát triển, đô thị vệ tinh ở phía Bắc của Thủ đô.

 

Một số mục tiêu đến năm 2025 của huyện Sóc Sơn

Huyện Sóc Sơn phấn đấu có 40% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân từ 2,5 - 3%/năm trở lên. Thu nhập của người dân nông thôn đạt từ 75 - 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.