Thắp sáng vùng núi cao
Xóm Nước Kon, xã Ba Tô, huyện miền núi Ba Tơ có điện lưới quốc gia được 3 năm. Hơn 80 tuổi, ông Phạm Văn Vanh cũng không ngờ thế hệ con cháu mình có thể học bài mỗi đêm bằng thứ ánh sáng mà thế hệ ông hằng mơ ước. Những ngôi nhà ở Nước Kon không còn leo lắt ánh đèn dầu mỗi khi mặt trời lặn xuống núi.
“Cuộc sống ở đây khổ lắm, đường xa xôi, lên rẫy về nhà cũng phải tranh thủ khi còn mặt trời, lặn rồi thì chẳng còn sáng đâu mà về. Giờ mình hạnh phúc lắm, về tối có cơm ăn nấu bằng nồi điện, có cục đá trong tủ lạnh uống nó mát. Mấy đứa nhỏ học bài, còn mình xem tivi” – ông Vanh hào hứng kể mỗi khi được hỏi về điện, dù đã 3 năm trôi qua, cảm xúc lần đầu được dùng điện lưới quốc gia vẫn vẹn nguyên trong ông.
Xóm Nước Kon giờ nhà nhà mua tivi, dùng tủ lạnh, nấu cơm điện. Những vật dụng hiện đại đã bắt đầu giúp người dân ở vùng núi cao dần bắt nhịp với cuộc sống phát triển. Những đứa trẻ ở đây lớn lên, tiếp cận được với nhiều nguồn kiến thức khác nhau. Tương lai của xóm Nước Kon mở ra khi những chú công nhân đưa điện đến làng. Công trình điện được đầu tư lên tận xóm, dù Nước Kon chỉ có 43 hộ dân, hơn 170 nhân khẩu. Điện về, một công trình điện mang nhiều ý nghĩa nhân sinh hơn là sự tính toán kinh doanh.
Có điện là sự mong mỏi của người dân vùng sâu, vùng xa. Với những người dân Làng Bưng, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, hàng chục năm mong đợi một nguồn điện đã trở thành hiện thực. Ông Đinh Văn Rân vẫn không quên con trâu và người hàng xóm bị điện giật vì đường dây điện tự kéo về nhà bị rò rỉ. Trước đây, chỉ có những nhà kha khá trong Làng Bưng mới đủ tiền mua dây điện, rồi đi xin kéo điện về từ xóm dưới.
Đường xa, dây nhỏ không đủ chịu nắng mưa, dây điện vắt ngang chỗ nào cũng được nên rất nguy hiểm. Đó là chưa nói khi điện về tới nhà thì hao hụt đáng kể, nhưng muốn có điện thì phải đành chịu thiệt. Tết rồi, nhà khó khăn cũng như nhà khá trong Làng Bưng đều được dùng điện như nhau. PC Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư hai trạm biến áp, tổng công suất 100kVA về tới tận trung tâm thôn. Công ty cũng hỗ trợ thêm 1.500m đường dây. Tổng kinh phí công trình gần 2 tỷ đồng, phục vụ cho 82 hộ dân Làng Bưng.
Có điện rồi, người dân mua sắm tivi coi phim, coi tin tức cả nước, xem cách làm kinh tế hay, thông tin văn hóa – xã hội cập nhật hằng ngày. Đời sống vì thế cũng dần đổi thay. Người dân không chỉ được cấp điện mà còn được công nhân điện lực hướng dẫn cách dùng điện an toàn, tiết kiệm.
Ông Đinh Văn Ven chia sẻ: “Mấy hôm cán bộ xã nói sắp có điện, chú không tin, cách ngày có người lên hỏi miết có thiệt không. Giờ có điện rồi, còn được mấy chú bên điện chỉ cho cách dùng điện. Ở xóm sắp có máy gạo, đỡ vất vả hơn. Điện sáng nên Làng Bưng vui”.
Nỗ lực đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế xã hội
Nụ cười, niềm vui của người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa khi có điện là thành quả lớn nhất cho những nỗ lực của PC Quảng Ngãi. Đầu tư điện về vùng sâu, vùng xa không mang ý nghĩa về kinh tế bởi các hộ dân nơi đây sinh sống không tập trung. Việc đưa điện về các vùng sâu, vùng xa, biên giới hay hải đảo là vô cùng khó khăn cả về chi phí đầu tư lẫn điều kiện thi công.
PC Quảng Ngãi đã đưa điện lưới quốc gia ”phủ sóng” đến 173/173 xã, phường, thị trấn. Lần lượt điện lưới quốc gia đưa đến những vùng lõm, vùng trũng về điện và phủ khắp cả tỉnh. Dù có những nơi có một vài chục hộ dân, hóa đơn tiền điện mỗi hộ vài chục ngàn, mỗi trạm biến áp đầu tư chỉ có thể chỉ thu về khoảng 300 ngàn đồng tiền điện mỗi tháng, nhưng đầu tư có khi lên tới 10 tỷ đồng cho mỗi trạm. Đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo là quyết tâm của Đảng, Nhà nước, là nỗ lực thực hiện của các cấp chính quyền. Trong đó, ngành Điện đóng vai trò lớn trong việc thực hiện chủ trương lớn này. Hằng năm, PC Quảng Ngãi đều tranh thủ những nguồn vốn để mang điện sáng về những vùng ”lõm”.
Ông Phan Vũ Đông Quân - Phó Giám đốc PC Quảng Ngãi chia sẻ: “Xác định rằng đây là nhiệm vụ chính trị nên ngành Điện chúng tôi phải thực hiện một cách tốt nhất. Kế hoạch thời gian đến, chúng tôi tiếp tục phối hợp với địa phương để đẩy nhanh tiến độ dự án Cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 theo Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ, riêng dự án tại Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư là 200 tỷ đồng. Các dự án này mang lại hiệu quả một cách rõ rệt, thay đổi cuộc sống hằng ngày của người dân một cách sâu sắc nhất, giúp người dân ở trên địa bàn nông thôn, miền núi thay đổi cơ cấu cây trồng, đặc tính canh tác cũng như nâng cao thêm thu nhập”.Không chỉ đầu tư mà còn cải tạo, để người dân miền núi khó khăn ở Quảng Ngãi được tiếp cận với lưới điện hiện đại mà PC Quảng Ngãi đang hướng tới. Trong những thành tựu của PC Quảng Ngãi suốt hơn 30 năm qua, chỉ tiêu phủ điện về nông thôn, miền núi và hải đảo luôn nổi bật và ấn tượng. Để có thành công đó, ngành Điện đã đầu tư đồng bộ từ vốn đến con người để lấp khoảng “lõm” về điện.