Theo thông tin được nêu trong báo cáo, từ năm 2011 - 2016, rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và việc giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723ha năm 2011 xuống còn 179.384ha vào năm 2016 (tức là đã giảm khoảng 15.339ha). Cũng theo báo cáo nêu trên, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147km. Tốc độ xói lở từ 5 - 45m/năm (tức trung bình mỗi năm mất khoảng 500ha đất). Trước tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu. Điển hình là Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 - 2020. Kinh phí đã bố trí cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu để bảo vệ, khôi phục rừng giai đoạn 2012 - 2015 là gần 1.435 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn dự kiến cho chương trình là 4.400 tỷ đồng.