Trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, công nghệ chế biến nông sản Việt Nam chỉ đạt mức độ trung bình của thế giới và còn kém nhiều nước trong khu vực.
Điều đáng nói, thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng nông sản có tuổi đời trên 15 năm (chiếm trên 70%) với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp; hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác). Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70 - 85%)… Chính điều này dẫn tới thực trạng mỗi khi được mùa, người nông dân chưa kịp vui mừng thì lại “khóc dở mếu dở” với tình trạng tư thương ép giá. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, sự yếu kém của công nghệ bảo quản sau thu hoạch đang khiến nước ta mất hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Nói về việc phải “giải cứu” nông sản, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương đã phải lắc đầu nhìn nhận: “Việc "giải cứu" sẽ làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của sản xuất kinh tế thị trường”. Thậm chí, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện “giải cứu” nông sản như lợi ích chỉ rơi vào tay tư thương, nông sản kém chất lượng… Sốt ruột trước thực trạng này, cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Thủ tướng nhấn mạnh, chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu hay giải quyết tình trạng “được mùa, rớt giá”. Nhưng vấn đề phải bàn là vì sao chưa làm tốt cơ giới hóa, vì sao có địa phương làm tốt, có địa phương chưa làm được?
Vấn đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản đã được đề cập đến nhiều năm qua. Bởi lâu nay, Việt Nam vẫn là nước được biết đến với nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, song lại chủ yếu là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Đứng trước thực tế này, các bộ, ngành cũng đã bàn thảo và đưa ra không ít chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, cơ chế chính sách lại chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tầm nhìn phát triển công nghiệp chế biến nông sản là phấn đấu đến 2030 đứng trong tốp 10 thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu. Muốn làm được điều này, các bộ, ngành hãy đừng chỉ nói, hô hào suông mà hãy bắt tay vào hành động, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.