Điều cần lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ cuối năm, không phải ai cũng biết

Lan Anh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dọn dẹp bàn thờ cuối năm là một trong những việc quan trọng cần làm mỗi khi Tết đến, xuân sang. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được những điều cần lưu ý khi lau dọn bàn thờ.

Nên lau dọn bàn thờ trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?

Về việc nên lau dọn bàn thờ trước hay sau cúng ông Công ông Táo, mỗi gia đình thường có quan niệm và truyền thống riêng của mình. 

Theo quan điểm truyền thống, nhiều người tin rằng vào những ngày ông Táo về chầu trời, khi vị trí trên bàn thờ trống rỗng, thì việc lau dọn lúc này là thích hợp. Điều này là bởi ông Táo đã không còn ngự trên bàn thờ, nên khi lau dọn không gây xâm phạm đến nơi Ngài ở.

Tuy nhiên, cũng có những gia đình cho rằng sau khi cúng ông Công ông Táo, bàn thờ đã được tế trời và trở nên linh thiêng hơn. Do đó, lúc này là thời điểm lau dọn ban thờ thích hợp nhất.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Thời gian lau dọn bàn thờ tốt nhất là khi nào? 

Thời gian lý tưởng để lau dọn bàn thờ sau cúng ông Công ông Táo thường phụ thuộc vào thói quen và lịch trình của mỗi gia đình. Dưới đây là một số gợi ý về những thời điểm nên lau dọn bàn thờ sau khi cúng ông Táo mà bạn có thể tham khảo:

Thời gian phù hợp nhất cho việc lau dọn bàn thờ là từ 10 giờ sáng ngày 24 tháng Chạp âm lịch trở đi hoặc từ 13 giờ đến 17 giờ 55, tránh khoảng thời gian 12-13 giờ.

Lưu ý khi lau dọn bàn thờ cuối năm

Khi lau dọn bàn thờ cuối năm, bạn cần nhớ các nguyên tắc sau:

Khấn xin trước khi lau dọn:

Trước khi lau dọn ban thờ, gia chủ nên lên 1 tuần hương để khấn xin các ngài bề trên và tổ tiên cho phép dọn dẹp để đón năm mới.

Điều cần lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ cuối năm, không phải ai cũng biết - Ảnh 1

Khi hương cháy được 1/3 thì rút nén hương đó ra cắm tạm vào một cốc nước sạch. Sau đó, rút từ từ, nhẹ nhàng các chân hương, bớt lại 5 chân nhang với bát hương thờ quan thần linh, thổ công, thổ địa và gia tiên. Bớt lại 13 chân nhang đối với ban thờ phật (3 chân nhang tượng trưng cho Tam bảo và 10 chân nhang tượng trưng cho 10 phương pháp giới). Tiến hành lau dọn sạch sẽ rồi bày biện hoa quả mới dâng lên, đặt nén hương vừa rút cho vào cốc nước trước đó trở lại bát hương, lên một tuần hương mới rồi sau đó khấn xin sám hối trong quá trình dọn dẹp có sai sót xin các ngài đại xá bỏ qua.

Tránh làm đổ vỡ

Làm vỡ đồ thờ cúng được đặt trên bàn thờ luôn bị coi là điều kiêng kỵ. Việc giữ gìn chúng cẩn thận thể hiện sự trang nghiêm, thành kính của con cháu đối với gia tiên, thần linh. Sự đổ vỡ dễ dẫn đến tâm lý lo ngại, bất an.

Tránh xê dịch bát hương

Trong tâm linh người Việt, bát hương rất linh thiêng, là nơi hội tụ tâm thức, sợi dây vô hình liên kết cõi trần với cõi âm; việc di chuyển bát hương tùy tiện có thể làm đứt sợi dây liên kết ấy, khiến lòng thành không được chứng giám, dẫn đến điều không hay.

Dân gian còn cho rằng bát hương bị di chuyển tức là bị “động”, hoặc có thể bị chuyển sang hướng xấu. Để giữ bát hương cố định trong quá trình lau dọn bàn thờ cuối năm, bạn nên dùng một tay giữ, tay còn lại dùng khăn lau. Trường hợp vẫn phải xê dịch thì nên khấn xin, sau đó đưa bát hương về lại vị trí ban đầu. Đối với các bức tượng cũng như vậy.

Không bỏ hết chân hương hay dốc hết tro

Theo quan niệm phong thủy, việc rút hết chân hương rồi đổ hết tro ra ngoài vừa làm xê dịch bát hương, vừa gây “tán tài”. Cách làm đúng là một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút các chân hương để không làm tung tóe tro. Để lại một ít chân hương theo số lẻ, như 3, 5, 7, 9.

Chân nhang được rút ra, bạn mang đi hóa thành tro. Tro của chân nhang nên được thả ở nơi nước sông, suối sạch sẽ, không có rác hay bị ô uế; không nên bỏ vào thùng rác hay để chung với những vật ô uế, không thanh tịnh.

Muối, gạo, nước trong hũ đặt trên ban thờ cũng nên thay mới sau 1 năm. Sau khi bao sái xong, muối và gạo nên đem ra cửa và rắc hết từ cửa nhà ra tới bên ngoài cổng, ngoài đường. Chú ý khi rắc thì gia chủ đi giật lùi, mặt hướng về phía cửa nhà để bắt đầu rắc từ nhà ra ngoài cổng, ngoài đường chứ không đi tiến như rắc muối, gạo ngày rằm tháng bảy.

Dùng khăn, chổi riêng

Điều này thể hiện sự trân trọng, thành kính đối với thần linh, tổ tiên khi lau dọn bàn thờ cuối năm. Không sử dụng khăn, vải, chổi đã sử dụng cho các việc dọn dẹp hằng ngày vì chúng mang nhiều uế tạp, không đảm bảo sự tôn nghiêm cho nơi thờ cúng.

Dùng nước sạch, nước thảo dược

Cũng với lý do bảo đảm sự tôn nghiêm, thanh tịnh, bạn cần lau dọn bàn thờ bằng nước sạch, có thể là nước đun sôi để nguội. Nếu cẩn thận, có thể dùng rượu trắng với gừng giã nhuyễn pha với nước, hoặc dùng nước đun từ 5 loại thảo dược (quế, hồi, gỗ vang, đinh hương, bạch đàn).

Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh.

 (*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!