Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Quản lý ngoại thương và các Nghị định của Chính phủ trong công tác quản lý Nhà nước về ngoại thương, đồng thời hiện thực hóa các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Bộ Công Thương đã ban hành nhiều quy định, chính sách về điều hành xuất nhập khẩu và chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bảo đảm cơ quan quản lý Nhà nước có đầy đủ các công cụ điều hành một cách linh hoạt trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Các chính sách bắt đầu có hiệu lực từ năm 2019.
Quy định mới về chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Về thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ: Theo quy định của Thông tư 38/2018/TT-BCT, Chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ (REX) được áp dụng kể từ ngày 1/1/2019 cho thương nhân khai báo và cam kết về xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu đi Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Thương nhân nhận ủy thác thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa cho thương nhân khác sang EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không được sử dụng mã số REX của mình để phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ theo GSP cho hàng hóa xuất khẩu của thương nhân ủy thác.
Cũng theo Thông tư này, đối với lô hàng xuất khẩu có tổng trị giá dưới 6.000 Euro tính theo giá xuất xưởng, thương nhân được phép chứng nhận xuất xứ cho lô hàng xuất khẩu đó mà không cần đăng ký mã số REX.
Hàng hóa xuất khẩu của thương nhân chưa có mã số REX theo GSP vẫn được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A trong thời gian chuyển tiếp theo quy định của Ủy ban châu Âu.
Đối với Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - Niu Di-lân: Tại phiên họp Ủy ban Thương mại hàng hóa (CTG) lần thứ 14 và Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định (FJC) lần thứ 10 của AANZFTA vào tháng 4/2018 tại Đà Nẵng, danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) chuyển đổi sang phiên bản HS 2017 đã được các nước thành viên ASEAN, Úc và Niu Di-lân thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019, không áp dụng thời gian chuyển đổi.
Thực hiện cam kết quốc tế và điều chỉnh quy trình cấp C/O mẫu AANZ theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, ngày 12/11/2018, Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư 42/2018/TT-BCT gồm 2 điều và 1 Phụ lục, trong đó nội dung Phụ lục thay thế toàn bộ Phụ lục II - Quy tắc cụ thể mặt hàng ban hành kèm theo Thông tư 31/2015/TT-BCT và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019.
Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất một số hàng hóa
Ngày 15/11/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 44/2018/TT-BCT về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Theo đó công bố việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên thuộc nhóm HS 44.03 và 44.07 tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2023.
Đối với việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-zôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, theo Thông tư 51/2018/TT-BCT, việc quản lý nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT được thực hiện theo nguyên tắc:
Việc nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I Thông tư 47 được thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương.
Trên cơ sở lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC quy định tại Điều 3 Thông tư 47, báo cáo tình hình thực hiện nhập khẩu và đăng ký nhập khẩu cho năm tiếp theo của thương nhân, Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường về đối tượng được phép nhập khẩu và phương thức điều hành.
Thương nhân báo cáo tình hình thực hiện nhập khẩu và đăng ký nhập khẩu cho năm tiếp theo trước tháng 12 hàng năm.
Thủ tục tạm nhập, tái xuất các chất HCFC thực hiện theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương. Quy định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/2/2019.
Ngày 6/11/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 41/2018/TT-BCT công bố Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu áp dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Danh mục này gồm 27 mã hàng thuộc 17 nhóm phế liệu được xây dựng trên cơ sở Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính.
Cũng theo Thông tư này, đối với những lô hàng phế liệu đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và các quy định hiện hành.
Đối với việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019, theo Thông tư 55/2018/TT-BCT ngày 26/12/2018, lượng thuốc lá nguyên liệu (mã HS 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 là 56.284 tấn.
Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được thực hiện theo quy định tại Thông tư 12/2018/TT-BCT và Nghị định 69/2018/NĐ-CP. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/2/2019 đến hết ngày 31/12/2019.
Như vậy, các quy định, chính sách về chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hạn ngạch thuế quan, áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được công bố thực hiện trong năm 2019 là các quy định có thời hạn và được Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định theo một quy trình nhanh nhằm bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, kịp thời bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, tuân thủ các cam kết quốc tế, đồng thời bảo đảm hài hòa, lồng ghép giữa hai nguyên tắc cơ quan Nhà nước chỉ được làm pháp luật cho phép và thương nhân được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm theo đúng tinh thần của Luật Quản lý ngoại thương.