Điều chỉnh quy hoạch các dự án công viên “treo”: Việc cấp thiết phải làm

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tránh sự lãng phí nguồn lực đất đai và hơn nữa không làm mất niềm tin của Nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, những dự án công viên “treo” nhiều năm còn vướng mắc cần được khẩn trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Trong khi Hà Nội còn rất thiếu không gian xanh phục vụ cộng đồng thì nhiều dự án công viên ngay giữa trung tâm Thủ đô lại bị “treo” nhiều năm. Nguyên nhân vì vướng các khu dân cư nằm trong phạm vi dự án và khó khả thi việc di dời. Để tránh lãng phí những khoảng xanh quý giá, đồng thời tạo điều kiện ổn định cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch, TP Hà Nội cần sớm có giải pháp hợp lý.

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhìn từ trên cao. Ảnh Việt Linh
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô nhìn từ trên cao. Ảnh Việt Linh

Sống mòn trong dự án “treo”

Sống trong căn nhà cấp 4 dột nát, chật chội đã xây cách đây hơn 30 năm, bà Nguyễn Thị Hòa, khu dân cư 4b, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng vẫn mòn mỏi chờ đợi ngày gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để có thể xây sửa lại chỗ ở cho khang trang hơn. Thế nhưng vì nằm trong diện thu hồi đất để thực hiện dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã 20 năm nên đến nay vẫn chưa được cấp sổ và chưa biết khi nào triển khai nên gia đình bà vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Bà Đặng Thị Liên Hương - Tổ trưởng Tổ dân phố 4b cho biết, trên địa bàn tổ dân phố có 275 hộ đang sinh sống, có tới 60% nhà cửa xuống cấp, xập xệ, nhiều thế hệ cùng sinh sống, thậm chí có nhà còn bị sập khi đang ở. Mặc dù chính quyền phường tạo điều kiện được sửa chữa cải tạo nguyên trạng nhưng điều mong mỏi nhất của người dân nơi đây là TP sớm có phương án rõ ràng. Nếu Nhà nước lấy đất làm công viên thì người dân sẵn sàng di chuyển, còn nếu không phải sớm đưa ra khỏi quy hoạch và cấp sổ đỏ để dân xây sửa nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 13/4/2001 thu hồi hơn 26ha đất tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng; giao cho chủ đầu tư là Công ty thương mại và đầu tư phát triển Hà Nội (thuộc Thành đoàn Hà Nội) tổ chức GPMB, chuẩn bị đầu tư xây dựng. Thực hiện quyết định của Thủ tướng, đến nay đã thực hiện GPMB được 18ha, hiện còn khoảng 8ha chưa GPMB trong đó gồm toàn bộ địa bàn dân cư số 4a, 4b và một phần dân cư số 1, số 2, phường Thanh Nhàn với hơn 800 hộ dân.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Lê Hoàng Đức cho hay, suốt 21 năm qua, những hộ dân nằm trong diện thu hồi đất không được cấp sổ đỏ, không được cấp phép xây nhà và không được nhập khẩu. Sau từng ấy năm, nhà cửa hư hỏng, người đông hơn mà không được xây mới, nâng cấp chỗ ở nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Phải sống trong tình cảnh tạm bợ người dân rất bức xúc, nhiều lần nêu kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đồng thời gửi đơn kiến nghị lên các cấp.

Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn thông tin thêm, những hộ dân này không phải sử dụng đất lấn chiếm, mà là đất của làng Thanh Nhàn, có trường hợp liền thổ, có trường hợp có giấy chứng nhận từ những năm 1950… Do đó, việc thu hồi sẽ không khả thi vì số hộ dân đông, đất thổ cư nên kinh phí đền bù sẽ lớn, khó thu hút DN vào thực hiện, trong khi đó nguồn ngân sách còn hạn hẹp.

Cũng trong tình cảnh tương tự, gần 20 năm nay dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) vẫn chưa được triển khai, hoàn thiện khiến nhiều người dân bức xúc khi phải sống trong cảnh nhà cửa nhếch nhác, tạm bợ. Nguyên nhân do khu đất quy hoạch công viên đang chồng lấn, trùm lên 649 thửa đất giãn dân được TP cấp từ năm 1993, trong đó 520 thửa đất người dân đã xây nhà và sinh sống ổn định từ trước năm 2000. Chính vì sự bất cập nên người dân đã phản đối không đồng thuận với quy hoạch. Đến thời điểm này, dự án mới chỉ triển khai xong hạng mục hồ điều hòa, còn phần công viên cây xanh thì không triển khai được.

Sớm điều chỉnh quy hoạch

Theo quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh, vườn hoa và hồ điều hòa đến 2030 đã được TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2014, khu vực nội đô Hà Nội sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo và 7 khu công viên đặc thù. Từ khi có quy hoạch, dù Hà Nội đã rất quan tâm triển khai nhiều dự án xây dựng công viên, hồ điều hòa nhưng trên thực tế rất ít dự án được thực hiện hoặc bị dở dang nhiều năm vì những vướng mắc, bất cập - điển hình tại Công viên Tuổi trẻ và Công viên hồ điều hòa Hạ Đình.

Để khắc phục thực trạng này, theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hà Nội cần quan tâm nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý xây dựng và quy hoạch kiến trúc của Thủ đô. Cùng đó hoàn thiện cơ chế chính sách để xử lý những vi phạm đang tồn tại, kiên quyết thu hồi và có chế tài với những dự án đã được duyệt nhưng chậm hoặc không triển khai. Đối với Công viên Tuổi trẻ và Công viên hồ điều hòa Hạ Đình, TP cần sớm có quyết định điều chỉnh quy hoạch đưa các hộ dân đang sinh sống trên đất hợp pháp ra khỏi ranh giới dự án. Khi có quy hoạch hợp lý, những dự án công viên mới sớm được triển khai hoàn thiện, phục vụ cộng đồng.

Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Lê Hoàng Đức chia sẻ, nguyện vọng lớn nhất của chính quyền địa phương cũng như hơn 800 hộ dân địa bàn dân cư số 4a, 4b, số 2, số 1 là TP Hà Nội sớm điều chỉnh quy hoạch, đưa các hộ dân ra khỏi dự án để họ được cấp sổ đỏ, có thể xây sửa nhà, đảm bảo đời sống, quyền lợi hợp pháp; đồng thời cũng là điều kiện để dự án sớm triển khai hoàn thiện. Bên cạnh đó, cũng đề nghị TP sớm xác định rõ chủ thể quản lý công viên này để chính quyền địa phương phối hợp quản lý và xử lý các vi phạm đang tồn tại trong công viên.

Đối với Công viên hồ điều hòa Hạ Đình, được biết, từ năm 2011, nhận thấy bất cập của quy hoạch này, UBND phường Hạ Đình và UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản báo cáo Sở QH - KT và UBND TP Hà Nội về thực trạng khu đất cũng như việc người dân không đồng thuận với quy hoạch này và cho rằng nếu thực hiện, chi phí GPMB và tái định cư cho người dân rất lớn. Đặc biệt, trong đợt lấy ý kiến người dân về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, phường Hạ Đình cũng như quận Thanh Xuân đã có đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch công viên này sao cho phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế.

Rõ ràng để tránh sự lãng phí nguồn lực đất đai và hơn nữa không làm mất niềm tin của Nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, những dự án công viên “treo” nhiều năm còn vướng mắc cần được khẩn trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Việc này không chỉ nhằm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hàng trăm hộ dân theo đúng như chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, đồng thời cũng để sớm đưa các không gian công cộng thực sự trở về với cộng đồng.

 

Việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tại Thông báo số 143-TB/TƯ ngày 25/2/2021 với nội dung: Rà soát, nghiên cứu việc điều chỉnh quy hoạch có liên quan đến phần diện tích đất các hộ dân đang sử dụng tại khu vực phía Đông để sớm tạo điều kiện cho Nhân dân được xem xét cấp sổ đỏ, giải quyết nhu cầu xin phép, cải thiện nhà ở và điều kiện sinh hoạt của Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần