Áp lực lớn từ những điều chỉnh phá vỡ quy hoạch
Trong những năm gần đây câu chuyện về điều chỉnh quy hoạch luôn tạo ác cảm xấu với nhiều người dân ở các đô thị lớn. Tại Hà Nội dường như mỗi khi nhắc đến những vấn đề còn tồn tại, bất cập của đô thị như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập lụt… không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do điều chỉnh quy hoạch ở nhiều dự án bất động sản dẫn đến quy hoạch đô thị bị phá vỡ.
Trên thực tế, luồng ý kiến này không phải không có cơ sở vì đã có những bản quy hoạch ban đầu được coi là mẫu mực nhưng đến nay đều đã bị “vỡ vụn” do hệ lụy của việc điều chỉnh quy hoạch.
Điển hình như Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, có mật độ xây dựng 34,88% với có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 - 7,5 tầng. Cho đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, mật độ xây dựng ở đây tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao từ 17 - 34 tầng. Các tiện ích chung, khu đất công cộng của cư dân bị thu hẹp dần, dân số cũng tăng lên khiến cơ sở hạ tầng sập xệ.
Để ngăn chặn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, vấn đề cần lưu tâm trước hết đó là nâng cao chất lượng xây dựng đồ án quy hoạch. Nói cách khác, quy hoạch được xây dựng cần có tính đón đầu, có tầm nhìn xa về sự phát triển. Ngay từ khi xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch dự án, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư cần tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về xây dựng, thẩm định quy hoạch trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Hay như không gian được quy hoạch bài bản của Linh Đàm, công nhận là khu đô thị kiểu mẫu vào năm 2009. Thế nhưng, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, khu vực này đã bị “băm nát”. Trên khu đất HH rộng chừng 3ha đã mọc lên tới 12 tòa nhà cao tầng với mật độ xây dựng lên tới 50%, phá vỡ hoàn toàn cảnh quan kiến trúc toàn khu vực.
Cùng đó, khu đất VP6 được quy hoạch là khu nhà ở thấp tầng nằm phía Bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường Vành đai 3 nhưng lại biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, chắn một góc bán đảo Linh Đàm. Khu đô thị này giờ đã mất đi điểm nhấn, phát triển lộn xộn, không còn tuân theo quy hoạch và cảnh quan thiết kế ban đầu, dân số tăng đã gây áp lực rất lớn lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xung quanh.
Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng thừa nhận, các quy hoạch tại Việt Nam thường có giá trị pháp lý không cao, mặc dù đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng nhiều khi không có sức nặng hiệu lực, trong quá trình triển khai quy hoạch thường bị điều chỉnh rất nhiều.
Điều này không giống nhiều nước trên thế giới, một quy hoạch khi đã được chính quyền phê duyệt với sự đồng thuận của người dân thì phải tuyệt đối tuân thủ. Mọi vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, dù chỉ là chức năng của một ngôi nhà cũng đều được đưa ra hội đồng để xem xét rất kỹ càng, nếu không phù hợp ngay lập tức bị bác bỏ.
Cần sự vào cuộc chủ động, nghiêm túc
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho hay, việc điều chỉnh quy hoạch không phải là vấn đề tuyệt đối không được thực hiện. Nhưng nếu điều chỉnh phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định, tuân thủ các quy định của các luật, nghị định liên quan. Trong đó, việc điều chỉnh quy hoạch phải hướng đến lợi ích, sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, lấy người dân làm trọng tâm, nhất là ưu tiên bảo đảm diện tích đất công cộng, cây xanh… bảo đảm đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, điều chỉnh cơi nới tầng có lợi ích cho chủ đầu tư hay không, hoặc có gì bên trong hay không thì cần phải xem xét, điều tra. Tuy nhiên có một điều cần phải khẳng định, để bảo đảm quy hoạch được điều chỉnh đúng quy định, trước hết cần phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong phạm vi điều chỉnh, trao đổi để thống nhất. Sau đó, phải công bố nội dung điều chỉnh quy hoạch để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi đồng thời cần tham khảo các chuyên gia chuyên ngành.
“Ở Hà Nội có những khu vực, như khu Kim Mã trước đây có chủ đầu tư đề nghị được điều chỉnh cao tầng. Khi đó chính quyền cũng đã đồng ý nhưng khi có ý kiến của chuyên gia thì không làm nữa. Hay khu Triển lãm Giảng Võ, chủ đầu tư cũng đề xuất xây dựng 10 tòa 50 tầng nhưng sau khi có ý kiến chuyên gia, Chính phủ đã yêu cầu dừng lại” – TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ví dụ.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh diễn biến rất phức tạp của biến đổi khí hậu hiện nay thì vai trò của phát triển đô thị bền vững là rất quan trọng. Do đó, công tác quy hoạch, điều chỉnh, quản lý quy hoạch xây dựng là một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Đây là vấn đề mang tính chiến lược và phải đi trước một bước làm cơ sở cho đầu tư xây dựng và phát triển, là giải pháp cơ bản và chủ yếu để quản lý xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.
Tinh thần này đã được thể hiện trong kế hoạch UBND TP Hà Nội ban hành mới đây về việc khắc phục khuyết điểm, hạn chế đối với công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Trong đó, TP yêu cầu Sở QH – KT tuân thủ nghiêm các điều kiện, trình tự, thủ tục về điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch; xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, không điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh.
Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh không thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo đề nghị của chủ đầu tư khi chưa nghiên cứu, rà soát, báo cáo về sự phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Việc TP Hà Nội ban hành kế hoạch chỉ đạo rõ trách nhiệm của đơn vị chuyên môn trong việc hạn chế những bất cập trong điều chỉnh quy hoạch là điều vô cùng cần thiết. Để đạt được kết quả thực chất, dư luận đang rất mong chờ kế hoạch của TP được sự vào cuộc thực hiện một cách chủ động, đầy đủ, nghiêm túc bởi các cơ quan sở, ngành, quận, huyện, các chủ đầu tư. Có như vậy mới chặn được việc tăng dự án xây dựng vào những quy hoạch đã được phê duyệt gây nhiều bức xúc, phản ứng của người dân trong thời gian qua.
Khi điều chỉnh quy hoạch cần tính toán kỹ lưỡng việc đáp ứng của hạ tầng đô thị cho khu vực chứ không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, để bảo đảm việc điều chỉnh quy hoạch không làm phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên chịu tác động của quy hoạch đó, phải thông báo công khai, minh bạch, nói rõ lý do điều chỉnh và những được - mất của việc điều chỉnh quy hoạch.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng