Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích, thu hút đối với người học và sau khi tốt nghiệp những ngành nghề mà nhu cầu xã hội cần, nhưng không thu hút được học sinh, điều chỉnh quy mô tuyển sinh và cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch nguồn nhân lực đối với những ngành, nghề có xu hướng bão hòa, thừa trong tương lai do nguyên nhân các trường ĐH, CĐ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao ở một số ngành cần đào tạo (nông nghiệp, khoa học cơ bản, sư phạm, khoa học xã hội, nhân văn...), sau tốt nghiệp công việc không hấp dẫn, khó xin việc làm nên không thu hút được sinh viên vào học.
Một số trường không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất đi thuê mướn chật chội, đội ngũ giảng viên thiếu nhiều, chủ yếu thỉnh giảng) nên không thu hút được học sinh vào học. Nhiều trường có ngành đào tạo giống nhau (như Kế toán, Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh nên chia xẻ số lượng sinh viên vào các trường này. Năm nay, mặc dù một số trường ĐH kiến nghị hạ điểm sàn xét tuyển để tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định, nhưng Bộ không chấp thuận nới lỏng đầu vào, không vì mục tiêu chạy theo số lượng, mà kiên trì giữ điểm sàn xét tuyển, để bảo đảm chuẩn chất lượng tuyển chọn tối thiểu của các trường ĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Qua thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay, đến thời điểm này, Bộ chưa phát hiện trường ĐH nào hạ điểm chuẩn xét tuyển thí sinh có kết quả thi quá thấp vào học ĐH. Theo đó, Bộ sẽ rà soát, điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo của giáo dục đại học của các trường ĐH và CĐ trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2011-2020. Trước mắt, Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, làm cơ sở để các trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo gắn quy mô với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển, Bộ xem xét đánh giá lại kết quả, hiệu quả của việc mở trường trong giai đoạn 2001-2010 để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu như về quy mô sinh viên/vạn dân, quy mô bình quân của trường ĐH, CĐ; tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo nhóm ngành... cho phù hợp Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ tăng cường công tác kiểm định chất lượng trường ĐH, CĐ; công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Thực hiện việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường theo các quy định tại Quyết định số 795/QĐ-BGDĐT ngày 27/2/2010, trong đó chỉ căn cứ vào giảng viên cơ hữu, không tính giảng viên thỉnh giảng. Có lộ trình điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo theo các tiêu chí đã công bố.