Điều chỉnh tăng giờ làm thêm đối với người lao động lên tối đa 300 giờ một năm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều nay, 23/3, với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đã có những tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về số giờ làm thêm trong 1 năm, Dự thảo Nghị quyết nêu rõ trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.
Có 5 trường hợp không được áp dụng tăng giờ làm thêm, gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, không áp dụng quy định này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Việc thực hiện quy định về số giờ làm thêm tại Nghị quyết này phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động. Khi tổ chức làm thêm giờ quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 107 của Bộ luật Lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/01/2022. Thời điểm hết hiệu lực sẽ theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/ 2021 của Quốc hội.

Trước đó, tại đợt 1 Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn năm trước, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp, sự dịch chuyển lao động lớn dẫn tới thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương…

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.

Theo Bộ trưởng, đối chiếu các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm theo Điều 107 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, một số ngành nghề, công việc được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm. “Thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần có sự điều chỉnh ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống" - Bộ trưởng trình bày.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nêu rõ, nội dung của Dự thảo Nghị quyết là khác so với Bộ luật Lao động năm 2019. Nhưng trong bối cảnh đặc biệt, đáp ứng yêu cầu cấp bách, đồng thời để việc triển khai chính sách hỗ trợ được tiến hành trong thời gian sớm nhất, kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.