Chỉ biết nhận mà chưa biết cho
Nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm của giới trẻ thì có rất nhiều, nhưng tựu chung lại, cái gốc chính là cách sống, cách giáo dục nhân cách từ mỗi gia đình.
Trong cuộc sống hiện nay, không khó để bắt gặp thái độ lạnh lùng, vô cảm của thế hệ trẻ. Bởi nhiều khi nó thể hiện ngay chính trong gia đình, với cả những người thân. Một người phụ nữ cay đắng kể về đứa con gái của mình, dù được bố mẹ chu cấp đầy đủ, nhưng không bao giờ em biết nói lời cảm ơn, hay quan tâm đến việc gì. Đi học về "chui" ngay vào thế giới riêng. Bố mẹ cãi nhau, kệ. Mẹ khóc, kệ. Mẹ ốm, không một lời hỏi han, một hành động quan tâm. Bố bị tai nạn, việc không liên quan đến mình. Không ít em sống dửng dưng với các thành viên trong gia đình như người xa lạ, chẳng có chút cảm xúc nào.
Việc giới trẻ chỉ sống cho bản thân mình, được các chuyên gia tâm lý cảnh báo đã trở thành một thói quen. Bởi họ sống trong vỏ bọc của mình, không biết rung động trước những nỗi đau của chính những người thân. Từ vô cảm với gia đình, họ vô cảm với bạn bè và xã hội. Bởi thế, khi nhìn thấy một vụ tai nạn xảy ra trên đường, chỉ biết đứng nhìn và chỉ trỏ, không hề có một biểu hiện lo lắng, xót thương hay đứng ra giúp đỡ người bị nạn. Nhiều giáo viên nhận xét, không phải là tất cả, nhưng số học sinh vô cảm, thờ ơ với những người xung quanh đang ngày càng nhiều. Thật hiếm khi thấy các em tự giác giúp đỡ người già, người tàn tật. Các em cũng không cảm thấy mình có lỗi khi không làm điều ấy.
Quan điểm về lối sống "Đèn nhà ai nhà nấy rạng", "Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" đã trở nên đáng báo động. Cách giáo dục con cái hiện nay trong gia đình cũng làm cho trẻ chỉ biết hưởng thụ, yêu cầu "quyền" của bản thân mà không biết "bổn phận" của mình. Nhiều phụ huynh ngày nay cưng chiều con, đáp ứng tất cả những yêu cầu của con một cách vô điều kiện. Thế nhưng, họ lại không dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Một đứa trẻ chỉ biết "nhận" chứ chưa biết "cho" sẽ nghèo nàn về cảm xúc, bàng quan trước cái xấu, trước nỗi đau của người khác.
Cha mẹ phải là tấm gương tốt
Một chuyên gia giáo dục khi trao đổi về đề tài này nói: Chúng ta không thể đổ hết lỗi cho các em. Người lớn chúng ta là tấm gương cho con trẻ. Vì vậy, nên chăng để dạy trẻ biết cảm thông, việc làm ấy phải bắt đầu từ người lớn.
Thực tế, không ít đứa trẻ đã "mồ côi" ngay trong chính gia đình mình. Theo một khảo sát mới đây, trong số 2.452 gia đình có con trong độ tuổi 15 -17, có 446 gia đình (chiếm 18%) xảy ra hiện tượng bố mẹ đánh mắng chửi nhau; 21,2% số gia đình tồn tại bạo lực gia đình. Đó cũng là nguyên nhân khiến các em ngày càng trở nên trơ lì hơn, vô cảm hơn.