Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 22/4/1970 như một cuộc hội thảo về môi trường theo tài trợ của thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson. Ban đầu, Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất chỉ được chú ý tại Mỹ cho đến khi một tổ chức đã được thành lập bởi Denis Hayes, nguyên là điều phối viên toàn quốc năm 1970, đưa nó lên tầm quốc tế vào năm 1990 và tổ chức các sự kiện ở 141 quốc gia.
Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất giờ đây được điều phối toàn cầu bởi Mạng Ngày Trái Đất (Earth Day Network) và được tổ chức hàng năm tại hơn 192 quốc gia. Nhiều cộng đồng còn tổ chức Tuần Trái đất, một tuần của các hoạt động xoay quanh các vấn đề môi trường.
Năm 2009, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 22/4 là Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất (International Mother Earth Day) nhằm nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên, bảo vệ ngôi nhà chung của con người.
Năm nay, Google Doodle Ngày Quốc tế Trái đất 22/4 đề cập đến một trong những chủ đề cấp bách nhất của thời đại chính là biến đổi khí hậu.
Sử dụng hình ảnh tua nhanh thời gian thực từ Google Earth Timelapse và các nguồn khác, Doodle thể hiện tác động của biến đổi khí hậu trên bốn khu vực khác nhau xung quanh hành tinh của chúng ta. Người dùng có thể theo dõi suốt cả ngày để xem những cảnh này, mỗi cảnh được hiển thị trên trang chủ trong vài giờ.
Google Doodle Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất bao gồm hình ảnh thực từ: Núi Kilimanjaro ở Tanzania, Châu Phi; Sông băng Sermersooq ở Greenland; Rạn san hô Great Barrier ở Australia; Rừng Harz ở Elend, Đức.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng cao, nhiều địa phương trở thành điểm sáng trong phong trào bảo vệ môi trường, đặc biệt là nhận thức của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, góp phần bảo vệ “ngôi nhà chung Trái Đất” trước những tác hại ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường.