Tuy nhiên, hầu hết các DN đều mong muốn ổn định luồng tuyến và chưa nên điều chỉnh trong thời điểm hiện tại.
Không nên xáo trộn liên tục
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sau đợt điều chỉnh luồng tuyến XKLT (từ ngày 2/1), Sở GTVT tiếp tục có phương án tái cơ cấu luồng tuyến giữa các bến xe: Giáp Bát và Nước Ngầm nhằm đảm bảo ổn định kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các DN. 5 tuyến XKLT được hướng tới điều chỉnh gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho biết, hiện tại 2 tuyến: Hà Nam , Ninh Bình đã tái cơ cấu xong; tuyến Thanh Hóa, căn cứ trên thực tế và ý kiến của Bộ GTVT, tạm thời sẽ không điều chỉnh. “Còn lại 2 tuyến: Thái Bình , Nam Định, chúng tôi đã xây dựng 2 phương án để sắp xếp lại theo phương châm mỗi tỉnh về cùng một bến”.
Tuy nhiên, phương án sắp xếp lại 2 tuyến Thái Bình , Nam Định lại khiến hầu hết các DN vận tải tỏ ra lo ngại. Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Hà Lưu Huy Hà cho rằng: “Để thuận tiện cho người dân lựa chọn, nên sắp xếp mỗi bến xe có nhiều hướng tuyến XKLT. Hơn nữa, sau đợt điều chuyển luồng tuyến XKLT vừa qua, nhiều DN vẫn chưa thể ổn định kinh doanh, nếu tiếp tục tái cơ cấu sẽ gây khó khăn, xáo trộn thêm cho DN”.
Tương tự, Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội Lưu Hồng Hoàng kiến nghị: “Hiện, TP đã có kế hoạch xây dựng Bến xe Yên Sở để thay thế Bến xe Giáp Bát, năm 2020 có thể đưa vào sử dụng. Từ nay tới thời điểm đó, chúng tôi mong muốn hoạt động ổn định và không phải điều chỉnh thêm”. Ông Hoàng cho rằng, việc để các bến xe lớn có nhiều tuyến XKLT sẽ có lợi cho người dân hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với phương án sắp xếp về cùng một bến đối với 2 tuyến XKLT Thái Bình, Nam Định. Phó Giám đốc Công ty Xe khách Long Thu (Nam Định) Nguyễn Thanh Bình cho rằng, do 2 bến Giáp Bát, Nước Ngầm quá gần nhau, các tuyến XKLT đi từ Thái Bình, Nam Định đến 2 bến này gần như trùng một lộ trình; cần phải điều chỉnh để thống nhất, tránh trùng lặp dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Chờ quy hoạch
Ngoài nỗi lo về sự xáo trộn, Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Hà Lưu Huy Hà còn cho hay, hiện nay, giá dịch vụ tại Bến xe Nước Ngầm vẫn khá cao. “Trước đây, chi phí lớn nhất đối với XKLT là nhiên liệu, nhưng nay lớn nhất là chi phí bến bãi, cầu đường. DN đang gặp khó khăn, lại phải chịu khoản chi phí bến bãi cao nữa sẽ khó duy trì được kinh doanh” - ông Hà bộc bạch.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang còn cho biết, Bến xe Giáp Bát hiện gần như không còn khả năng tiếp nhận thêm xe vào ban ngày. Hạ tầng giao thông quanh khu vực Bến xe Giáp Bát cũng đang chịu áp lực rất căng thẳng, đặc biệt là cung đường Giải Phóng - Kim Đồng. Ông Quang cho rằng: “Không thể chuyển cả 2 tuyến về chung Giáp Bát hoặc Nước Ngầm, mà chỉ có thể mỗi tuyến về một bến nếu điều chỉnh”. Ông Quang khẳng định, chắc chắn đến năm 2020, TP sẽ xây dựng xong Bến xe Yên Sở để thay thế cho Bến xe Giáp Bát. Do đó, nhiều DN mong muốn sẽ thực hiện lần điều chỉnh tiếp theo khi có bến mới, để ổn định bền vững môi trường kinh doanh. “Chúng tôi sẽ chuyển các ý kiến này lên UBND TP xem xét, cân nhắc có nên tiếp tục điều chỉnh đầu bến đối với 2 tuyến XKLT Thái Bình, Nam Định vào thời điểm hiện tại hay không”.
Các cấp, ngành chức năng cần nhanh chóng tìm biện pháp ngăn chặn xe “dù” thì chúng tôi mới sống được. Bây giờ xuất bến lúc nào cũng chỉ có vài ba khách bởi vì họ đi xe Limousine, xe khách “trá hình” hết rồi. Cứ thế này chúng tôi sẽ sớm phá sản. Phó Giám đốc Công ty Xe khách Long Thu Nguyễn Thanh Bình Hiện, từ Bến xe Giáp Bát đi Nam Định có 13 tuyến, 281 chuyến/ngày; đi Thái Bình có 8 tuyến, 137 chuyến/ngày. Bến xe Nước Ngầm đi Nam Định có 11 tuyến, 170 chuyến/ngày; đi Thái Bình có 8 tuyến, 167 chuyến/ngày. |