70 năm giải phóng Thủ đô

Điều đáng tiếc về áo dài Việt Nam

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/6, Bộ VHTT&DL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”.

Hội thảo nhằm nhận diện, đánh giá về giá trị, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam, là diễn đàn để chuyên gia nhận diện về cộng đồng cũng như các trung tâm hình thành và lan tỏa tập quán mặc áo dài, đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị của trang phục áo dài nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung trong đời sống đương đại.
 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh An.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: “Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến di sản áo dài cũng giúp cho chúng ta có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của nhà nước Việt Nam”.
Nhấn mạnh ý nghĩa, giá trị của trang phục áo dài, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam”.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài bây giờ không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

 Dù Nhà nước Việt Nam chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là “quốc phục” Việt Nam nhưng từ lâu nay nó đã được đa số Nhân dân mặc định là “Áo dài dân tộc” hay “Trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam”.

PGS. Ts Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, sử dụng ngày càng đa dạng chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, chiếc áo dài Việt Nam đang cho thấy sức sống mạnh mẽ, vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, vừa hướng tới trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam rộng rãi ra khắp thế giới.

“Nhiều người nước ngoài khi được hỏi đều thừa nhận áo dài chính là trang phục có tính biểu tượng gắn với người phụ nữ Việt Nam và niềm tự hào của người dân Việt Nam trên khắp thế giới. Nó cũng là một sáng tạo văn hóa nghệ thuật đóng góp vào khi tàng của nhân loại: - ông Bùi Hoài Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho hay: “Đáng tiếc là bên cạnh sự phổ biến của áo dài, hiện nay vẫn còn một số người chưa hiểu đúng về lịch sử văn hóa, giá trị của áo dài cũng như tập quán sử dụng chúng. Không phải ai cũng biết tường tận về nguồn gốc, những biến đổi của trang phục áo dài cùng quá trình hình thành nét văn hóa đặc sắc, mang tính biểu tượng cho trang phục của Việt Nam”.
Do đó, Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, nhà thiết kế thời trang và các nghệ nhân làm áo trình bày và thảo luận những vấn đề lịch sử, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật của trang phục áo dài Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả thảo luận, Hội thảo dự kiến sẽ có những đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về giá trị của trang phục áo dài, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của Nhân dân, cũng như góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Các bài tham luận tại Hội thảo tập trung làm rõ 4 vấn đề: “Lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam”; “Giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam; Bản sắc văn hóa và biểu tượng của áo dài Việt Nam cùng với đó là những tập quán liên quan đến trang phụ áo dài Việt Nam; “Nghiên cứu về sự đa dạng, thay đổi kiểu cách, thế kế và cắt may áo dài...”, “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài Việt Nam”.