Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điêu đứng vì đường lậu

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Hơn 2 năm qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.

Sản xuất đường tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lam Thanh
Nhiều chiêu “hô biến” đường lậu thành đường nội địa
Thông tin tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ còn 5%. Trong bối cảnh ngành mía đường đang chịu nhiều sức ép từ tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA đang ngày càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành này. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ.
Ban chỉ đạo 389 cũng đưa ra đề xuất điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định. Đặc biệt, tại các vị trí “nhạy cảm”, tại các thị trường lớn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói. Sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ; tham gia đấu giá đường (đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được) từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ thanh lý này quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác; đưa bao bì in trong nước, đem sang nước ngoài (thường là Campuchia) đóng túi. Như vậy, đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho trong nội địa sẽ rất khó chứng minh có phải đường nhập lậu hay không...

Số liệu của các lực lượng chức năng, từ năm 2018 đến hết tháng 9/2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 876 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá trên 12 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là đường nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhức nhối

Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, một trong những khó khăn của các lực lượng trong chống nhập lậu đường là việc các đối tượng hợp thức đường lậu bằng hóa đơn chứng từ, hồ sơ bán đấu giá tài sản của các lực lượng chức năng. Ngoài ra, khi đường vào trong nội địa, các lực lượng thay đổi bao bì nhãn mác của Việt Nam để đối phó với các lực lượng chức năng, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Chưa kể việc Nhà nước cho phép cơ sở phối trộn, đóng gói, sang chiết đường mua nguồn từ các nhà máy sản xuất khác để đóng thành sản phẩm đăng ký tên cơ sở mình, trong khi các cơ sở này không trực tiếp sản xuất đường, mà chỉ mua nguyên liệu thành phẩm về phối trộn, đóng gói, sang chiết cũng dẫn đến khó khăn trong quản lý của các lực lượng chức năng.

Một nguyên nhân nữa khiến đường lậu về Việt Nam ngày càng nhiều là do chênh lệch về giá cả của mặt hàng đường cát giữa Việt Nam – Campuchia hiện nay vẫn còn khá cao. Trong khi đó, các quy định của pháp luật liên quan còn thiếu, sơ hở, bất cập (ghi nhãn hàng hóa đối với hàng lậu bị tịch thu bán đấu giá, giám định mặt hàng đường cát, mức khen thưởng thấp...). Cụ thể, các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói đường chỉ có thể thực hiện với nguồn đầu vào là đường sản xuất từ cây mía. Như vậy, các hoạt động này cần phải có điều kiện tiên quyết là có mối liên quan hợp pháp với các nhà máy chế biến đường. Mặt khác, trong pháp luật hiện hành, đường nhập lậu sau khi thu được sẽ bị tịch thu để bán đấu giá. Tuy nhiên, các đầu nậu buôn lậu đã trả giá rất cao để đấu giá thành công, sau đó sử dụng bộ hồ sơ đấu giá nhiều lần để hợp thức hóa đường nhập lậu.

Vì vậy, Ban chỉ đạo 389 kiến nghị cần đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường; sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…