Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điêu đứng với sóng ngầm tín dụng đen

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị khởi đăng loạt bài “Điêu đứng với sóng ngầm tín dụng đen”, nêu rõ dịch vụ này gây ra hệ lụy cho nhiều gia đình khiến kinh tế kiệt quệ, gia đình ly tán.

Đâu là nguyên nhân khiến hoạt động tín dụng đen bùng phát và giải pháp nào hạn chế loại hình dịch vụ này? Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng để làm rõ vấn đề này.

Bài 1: Hệ lụy buồn sau “bão”

Bài 2: Lật mặt những chiêu trò

Bài 3: Hậu quả lớn cho xã hội

Bài 4: Còn đất sống do luật thiếu minh bạch
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng
Theo ông, lý do nào khiến hoạt động tín dụng đen hoành hành trong thời gian qua mà chưa xử lý triệt để?

- Có nhiều nguyên nhân đẩy người ta trở thành thủ phạm và nạn nhân của bẫy tín dụng đen, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là do pháp luật thiếu minh bạch. Luật pháp hiện vẫn còn nhiều kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, lách luật. Thậm chí, có những vụ việc liên quan đến tín dụng đen, tòa án còn chưa biết phải xử thế nào, làm sao người dân biết được hình thức cho vay này hợp pháp hay không.

Cụ thể, Điều 476, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Như vậy, giao dịch cho vay nào vượt mức 13,5%/năm là giao dịch bất hợp pháp về lãi suất, là bắt đầu có dấu hiệu của tín dụng đen. Trên thực tế, đại đa số giao dịch cho vay có mức lãi suất cao hơn, bao gồm cả giao dịch cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác. Hiếm có ai nghĩ rằng, lãi suất cho vay dân sự hiện nay trên 13,5%/năm là tín dụng đen, mặc dù đó là bất hợp pháp.

Đặc biệt, việc cho vay vượt mức trần lãi suất cao nhất, từ 5 - 10 lần, thậm chí cao hơn, nếu không bị xử phạt hình sự thì cũng không bị xử phạt vi phạm hành chính, do chưa có quy định xử lý.

Phải chăng do người dân thiếu hiểu biết khiến hoạt động tín dụng đen bùng phát?

- Có thể người dân thiếu hiểu biết, hoặc cũng có thể họ biết nhưng cố tình làm liều vì cần khoản vay trước mắt. Một trong những “cửa” pháp lý quan trọng nhưng bị bỏ qua, đó là các phòng và văn phòng công chứng khi chứng nhận các giao dịch ủy quyền và mua bán nhà đất mà thực chất là công cụ siết nợ cho vay nặng lãi. Về nguyên tắc, công chứng viên phải giải thích rõ cho người cam kết hợp đồng công chứng nhà đất về việc có thật sự tự nguyện giao dịch mua bán nhà đất hay không và trong mọi trường hợp, nếu không trả được nợ, họ sẽ bị mất tài sản nhà đất.

Nếu xảy ra tranh chấp, pháp luật có đứng về phía người đi vay khi chính họ đã “nhắm mắt” ký vào các giấy tờ gây bất lợi cho bản thân?

- Nếu pháp luật thực hiện nghiêm minh, có thể xử lý theo tội cho vay lãi nặng nếu chứng minh được mức lãi suất vượt quá 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định (từ 1/7/2016 trở đi là 5 lần). Trường hợp phạm tội cho vay lãi nặng mới được gọi là tín dụng đen, được quy định cụ thể trong Điều 163, Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, tòa án cũng có thể không công nhận hợp đồng bởi nó không đúng với ý chí, nguyện vọng của người tham gia hợp đồng nếu người tham gia chứng minh được có yếu tố lừa đảo hoặc bị cưỡng ép, nhầm lẫn. Với những giao dịch giả tạo như thế, pháp luật không thừa nhận và coi là vô hiệu.

Tuy nhiên, với những quy định pháp lý chưa rõ ràng, nếu tòa án chỉ căn cứ vào giấy trắng mực đen, không làm rõ theo hướng tội phạm hay giao dịch gian dối, người đi vay sẽ phải chịu “bút sa gà chết”.

Theo ông, giải pháp nào để ngăn chặn, hạn chế hoạt động và phát triển của tín dụng đen?

- Để ngăn ngừa hoạt động tín dụng đen, việc nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng cũng là một biện pháp hết sức căn cơ cần tính đến. Theo đó, cần tăng cường, đẩy mạnh sự phát triển của tín dụng ngân hàng, tín dụng tài chính, giúp chiếm lại thị phần của tín dụng đen, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.

Bên cạnh đó, không được tính lãi nếu phát hiện vi phạm mức lãi suất cho vay cao; đồng thời, làm rõ các hợp đồng tự nguyện, thỏa thuận. Với trường hợp có dấu hiệu cưỡng ép, tòa án phải bảo vệ, tuyên vô hiệu, không công nhận giao dịch.

Ngoài ra, người dân cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan khi đặt bút ký bất cứ hợp đồng vay mượn nào.
Thượng tướng Lê Quý Vương Thứ trưởng Bộ Công an:
Rà soát, chủ động nắm tình hình
Để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, về phía ngân hàng cần tập trung đa dạng hóa các hình thức vay vốn, nghiên cứu các hình thức thu hút vốn đầu tư trong Nhân dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó lưu ý đến vấn đề vay và cho vay. Lực lượng công an cần phối hợp tốt với các Bộ, ban, ngành, các lực lượng liên quan tiến hành rà soát, chủ động nắm tình hình hoạt động của tín dụng đen, nghiên cứu các vụ án nhằm đưa ra thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, cùng phía ngân hàng tăng cường tuyên truyền tới người dân để phòng ngừa tội phạm.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:
Tính răn đe không đủ mạnh
Do tín dụng đen là tín dụng ngầm ở thị trường phi chính thức, cả người đi vay và cho vay đều không xuất hiện, nên việc phát hiện xử lý rất khó khăn. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự hiện mới chỉ có quy định cấm cho vay nặng lãi, chưa quy định chế tài xử lý hành vi này. Điều 163, Bộ luật Hình sự quy định hành vi cho vay nặng lãi phải thỏa mãn 2 yếu tố "lãi suất gấp 10 lần lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định" và "có tính chất chuyên bóc lột" (tức là người sống bằng nghề cho vay nặng lãi và dùng nhiều thủ đoạn để ép buộc cho vay và trả nợ). Trên thực tế, cơ quan công an không dễ chứng minh và xác định được điều này. Hơn nữa, theo Bộ luật Hình sự, tất cả các hành vi cho vay nặng lãi chỉ bị phạt cao nhất 3 năm tù giam, nên tính răn đe không đủ mạnh.

Thượng tá Đặng Ngọc Hân - Phó trưởng Công an huyện Phú Xuyên:
Nâng cao tinh thần cảnh giác
Vụ vỡ nợ của Nguyễn Thị Cúc tại thị trấn Phú Minh hồi năm 2011 đã gây ra nhiều hệ lụy phát sinh mâu thuẫn giữa các bên, làm mất an ninh trật tự vùng nông thôn Phú Xuyên vốn yên bình. Trước tình hình trên, để góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ngăn chặn kịp thời thủ đoạn của tội phạm cho vay nặng lãi, lãnh đạo Công an huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các đồn, các xã triển khai đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý đối tượng, tăng cường kiểm tra hành chính những trường hợp nghi vấn. Trường hợp lạ mặt thường xuyên xuất hiện trên địa bàn sẽ được kiểm tra kịp thời, không để các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân vùng nông thôn để trục lợi.

TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế:
Tín dụng đen là ung nhọt của xã hội
Tín dụng đen đang ngang nhiên lộng hành, trong khi, “luật” của tín dụng đen rất đáng sợ. Thời gian gần đây tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại, hoạt động, quy mô trên toàn lãnh thổ Việt Nam, có thể lên tới hàng chục triệu USD. Sở dĩ còn tồn tại tình trạng này là do pháp luật chưa nghiêm, chế tài còn quá yếu. Có thể nói tín dụng đen là ung nhọt của thị trường tín dụng cần phải hạn chế đến mức thấp nhất có thể. Hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam có chi nhánh đến tận huyện, xã, thôn; có cả ngân hàng chính sách, hợp tác xã và công ty tài chính, các quỹ của nước ngoài, các quỹ của hiệp hội thanh niên; có ngân hàng người nghèo, ngân hàng phát triển, thậm chí là cả hụi họ… thế mà dân vẫn khan tiền, chứng tỏ nhu cầu trong dân rất cao. Điều này lý giải vì sao tín dụng đen vẫn hoành hành…