Điều dưỡng trẻ có nhiều sáng kiến trong điều trị bệnh

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng với đam mê nghiên cứu, điều dưỡng Phùng Văn Toàn (SN 1990) đã có nhiều sáng kiến trong điều trị bệnh. Anh đã trở thành điểm tựa tinh thần cho người nhà bệnh nhi.

Tâm sự với chúng tôi tại lễ vinh danh thầy thuốc trẻ Thủ đô xuất sắc tiêu biểu nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ IV năm 2018, điều dưỡng Phùng Văn Toàn cho biết, tốt nghiệp trường Đại học Y tế Hải Dương, sau khi ra trường với tấm bằng loại ưu, anh về công tác tại Bệnh viện Xanhpon (Hà Nội). Với mong muốn tìm kiếm những mảnh đất mới để thể hiện năng lực của bản thân, năm 2011, Toàn quyết định về khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện đa khoa Đức Giang công tác.
 Điều dưỡng Phùng Văn Toàn tại lễ tuyên dương thầy thuốc trẻ Thủ đô xuất sắc tiêu biểu nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ IV năm 2018.
“Công việc của một điều dưỡng tại khoa nhi có những áp lực riêng mà bác sĩ ngoài chuyên môn cần có những kỹ năng để vượt qua. Bởi bệnh nhân là những bệnh nhi, nhiều cháu còn quá bé, luôn sợ bác sĩ. Bên cạnh đó, là tâm lý các bậc phụ huynh thường lo lắng cho con nên cũng dồn căng thẳng sang bác sĩ. Vì thế, trong tiếp xúc với bệnh nhân mình luôn luôn lắng nghe, nhẫn nại, kiên trì giải thích cho người nhà hiểu cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện nhất để các bé không sợ áo blouse, không sợ kim tiêm”, anh Toàn chia sẻ.
Trăn trở với những khó khăn của người bệnh và gia đình bệnh nhân khi ấy các thiết bị y tế dù có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh, Toàn đau đáu với suy nghĩ  nghiên cứu cải tiến kỹ thuật trong khám và điều trị bệnh. Từ suy nghĩ ấy, anh đã quyết tâm tự học, tự nghiên cứu, chủ động bám tuyến trên để học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao, Toàn đã học hỏi, cùng đồng nghiệp nghiên cứu đề xuất nhiều sáng ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh như:  Năm 2011, Toàn cùng các điều dưỡng trong khoa tham gia nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả vỗ rung hô hấp trong điều trị viêm phế quản phổi”; năm 2013, anh cùng các điều dưỡng trong đơn nguyên sơ sinh tham gia sáng kiến cải tiến  “Sử dụng nôi mây ủ ấm tự tạo tránh hạ thân nhiệt trong vận chuyển trẻ sơ sinh”. Sáng kiến đạt giải 3 TP Hà Nội. “Khi mới triển khai đề tài mình gặp rất nhiều khó khăn về chuyên môn cũng như tập huấn cho đồng nghiệp vì cả bệnh viện chưa ai thực hiện kỹ thuật này. May mắn mình nhận được sự hỗ trợ tích cực của chị Trưởng khoa và các đồng nghiệp. Điều đó đã tiếp thêm động lực để mình vượt qua thách thức hoàn thành đề tài”, Toàn chia sẻ.
7 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, điều dưỡng Phùng Văn Toàn có 5 sáng kiến cải tiến được chọn đi thi hội thao cấp cơ sở và hội thao liên viện, đạt các giải ba, khuyến khích của TP Hà Nội. Anh Toàn là một trong những người có nhiều sáng kiến nhất tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. “Áp dụng nguyên lý NCPAP sử dụng bình oxy, gọng mũi và đồng hồ kiểm soát áp lực trong vận chuyển bệnh nhi suy hô hấp” là sáng kiến đầu tiên anh Toàn trực tiếp làm chủ, một mình mày mò nghiên cứu. “Sau hơn 1 năm trời, trải qua rất nhiều thử thách, kiểm nghiệm và cả thất bại, sáng kiến cũng cho thành quả như ý. Với sáng kiến này, tôi chế tạo ra bình oxy có kích thước gọn nhẹ, cơ động hơn rất nhiều các sản phẩm hiện tại nhằm giúp các bệnh nhân thuận tiện hơn trong việc di chuyển để hội chẩn, kiểm tra, khám xét sức khỏe. Mặc dù sáng kiến chỉ đạt giải Khuyến khích tại Hội thao liên viện năm 2015 nhưng đó là động lực, tiền đề cho tôi tự tin để tiếp tục tự mình nghiên cứu ra các sáng kiến tiếp theo”, anh Toàn nói.
Đặc biệt, năm 2017, Toàn làm chủ sáng kiển cải tiến mang tên “Cải tiến kỹ thuật lấy máu bằng phương pháp sử dụng Heplock trên bệnh nhi đặt catheter động mạch” và đã đạt giải 3 Hội thao liên viện khu vực Hà Nội lần thứ XXVII. Đây cũng là sáng kiến khiến Toàn tâm đắc nhất.
Dù có sự chuẩn bị rất kỹ nhưng cũng phải mất hơn một năm Toàn mới hoàn thiện được sáng kiến. Sáng kiến đã mang lại những hiệu quả rất tích cực về mặt kinh tế, xã hội. Theo Toàn, trong điều trị bệnh chỉ một chút khí vào động mạch sẽ rất nguy hiểm. Với những y, bác sĩ mới vào nghề rất dễ mắc sai sót này. Tuy nhiên, khi lấy máu bằng phương pháp sử dụng Heplock thao tác nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều. Chi phí cho phương pháp này cũng rất rẻ.
Cả bốn sáng kiến vào các năm 2011, 2013, 2015 và 2017 đều được các thầy đánh giá cao, được chọn tham dự hội thao Liên viện và đạt các giải ba và khuyến khích cấp thành phố Hà Nội. Những sáng kiến của Toàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhi mà còn góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong toàn bệnh viện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần