Điều gì buộc Đức phải đóng cửa biên giới với Ba Lan và Séc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù là nền kinh tế số một châu Âu, Berlin vẫn phải kiềm chế dòng người nhập cư luôn coi Đức là miền đất hứa.

Trước dòng người nhập cư ồ ạt từ Ba Lan và Cộng hòa Séc, Berlin lên kế hoạch kiểm soát biên giới với hai quốc gia này.

Người di cư tập trung ở biên giới Belarus - Ba Lan. Nguồn: Reuters
Người di cư tập trung ở biên giới Belarus - Ba Lan. Nguồn: Reuters

Trước thông tin liên quan đến cấp thị thực trái phép, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu Ba Lan làm rõ cáo buộc việc quan chức Ba Lan cấp thị thực để tư túi.

Ông cũng tán thành các biện pháp mà Chính phủ Đức đưa ra nhằm kiểm soát số lượng người đến quốc gia này từ biên giới Ba Lan và Cộng hòa Séc đang tăng vọt.

Phát biểu tại bang Hesse hôm 23/9, ông Olaf cho biết số lượng thị thực cấp cho những người di cư từ bên ngoài EU ở Ba Lan vượt mức cho phép, có thể liên quan đến tình trạng trục lợi từ việc cấp thị thực tràn lan của quan chức nước này.

Ông Scholz cũng liên tục nhấn mạnh số người nhập cư tăng vọt và quy trách nhiệm cho Warsaw. Ông yêu cầu Ba Lan trực tiếp giải quyết các vấn đề tị nạn trước khi đẩy cho Berlin và phải làm rõ cáo buộc tham nhũng trong cấp thị thực.

Đảng Dân sự Trung hữu, một đảng đối lập tại Ba Lan, đã cáo buộc Đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) cố tình che đậy hành vi tham nhũng từ cấp thị thực trái phép ở các lãnh sự quán trên khắp thế giới.

Trước những cáo buộc trên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng các bên đang phóng đại vấn đề. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc cấp hàng trăm thị thực.

Berlin đã công bố các biện pháp riêng của mình để giải quyết vấn đề này. Vào tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết họ đang xem xét các biện pháp kiểm soát ngắn hạn ở biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Séc nhằm ngăn chặn nạn buôn người.

Theo truyền thông Đức, cảnh sát bang Brandenburg giáp với Ba Lan đã bắt giữ trung bình 35 người nhập cư trái phép/ngày trong tháng 8. Con số này đã tăng lên 57 người/ngày vào tháng 9. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nội vụ bang Brandenburg, Michael Stuebgen, cho biết kiểm soát biên giới trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Vấn đề này cũng thu hút sự chú ý của Brussels. Anitta Hipper, Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) về các vấn đề nội vụ, cũng vô cùng lo ngại trước những cáo buộc gian lận thị thực.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrel, cảnh báo sự gia tăng đột biến của lượng người nhập cư có thể khiến Liên minh châu Âu tan rã do một số quốc gia thành viên không muốn chấp nhận người từ bên ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế một số nước thành viên cũng cần dòng người di cư vì tăng trưởng nhân khẩu học thấp.