Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều gì đang chờ đợi tân Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam trên “ghế nóng”?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, ngày mai (23/10), Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải sẽ trao quyết định cho ông Lương Hải Sinh - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Chờ đợi tân Chủ tịch VDB là rất nhiều vấn đề tại đơn vị này, trong đó có hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu cần xử lý.

Ngày 16/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Lương Hải Sinh - Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc DATC giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị VDB. Tân lãnh đạo VDB sinh ngày 1/1/1975 tại Thái Nguyên, có trình độ chuyên môn thạc sĩ kinh tế quốc tế - Đại học Ngoại thương Hà Nội, thạc sĩ quốc tế - Đại học Sunderland (Anh).
Tân Chủ tịch VDB. (Ảnh: Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh online).
Trước đó, ông Sinh từng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); thành viên Hội đồng Quản trị - Tổng giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực. Ông Sinh được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc DATC vào tháng 6/2016.
Chờ đợi “người chèo lái” mới con thuyền VDB là rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, gánh nặng hơn 46.000 tỷ đồng nợ xấu theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước chắc chắn sẽ là vấn đề khiến ông Sinh đau đầu khi ngồi “ghế nóng”.
Theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác kiểm toán năm 2019, VDB đang lỗ nặng. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB âm hơn 866 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của ngân hàng này đến 31/12/2018 là trên 4.800 tỷ đồng; nợ xấu tại 31/12/2018 là trên 46.100 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ.
Trong khi đó, việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ là 5.790 tỷ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu... Kiểm toán Nhà nước đánh giá điều này khiến "tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động". Đáng chú ý, hiện, số liệu bù chênh lệch lãi suất mà ngân sách nhà nước phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn, lên tới 13.496 tỷ đồng.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại VDB.
Trong đó, vụ việc Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỷ đồng. Công ty không minh bạch trong việc sử dụng vốn vay, không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.
Vụ việc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng (Ccông ty đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay). Sở Giao dịch 1 - VDB chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với khách hàng.
Theo quyết định Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn sau năm 2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng được xác định phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết định cũng yêu cầu VDB nâng cao chất lượng tín dụng đặc biệt là công tác thẩm định, giải ngân, quản lý thu hồi nợ; xây dựng cơ chế phân loại nợ xấu phù hợp với tính chất hoạt động của VDB; xây dựng cơ chế trích lập dự phòng rủi ro và các biện pháp xử lý nợ xấu cho vay các chương trình; tích cực thu hồi nợ và xử lý rủi ro nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu tổng thể dưới 7% vào năm 2015, từ 4 - 5% vào năm 2020; tỷ lệ nợ xấu trong giai đoạn 2020-2030 ở mức dưới 3%.