Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều gì đang xảy ra tại dự án cao tốc Bắc – Nam qua Phú Yên?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao tốc Bắc – Nam qua Phú Yên đã khởi công được 2 tháng nhưng vẫn còn ngổn ngang. Hai vấn đề lớn nhất của dự án này là giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm và giá vật liệu leo thang.

Hai dự án cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên đang gặp khó về mặt bằng và vật liệu.
Hai dự án cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên đang gặp khó về mặt bằng và vật liệu.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đi qua địa phận tỉnh Phú Yên gồm hai dự án thành phần là Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong với tổng chiều dài 90,2km. 

Dự án được khởi công vào ngày 1/1/2023. Ngay sau lễ khởi công, các nhà thầu đã lập tức bắt tay vào thực hiện thi công.

Mặt bằng bàn giao nhiều nhưng thi công được quá ít

Đối với dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh, đại diện chủ đầu tư - Ban QLDA85 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, gói thầu 12-XL địa phương đã bàn giao 18,2/22,1km nhưng các nhà thầu mới tiếp cận thi công được khoảng 12,8km; còn gói thầu 13-XL đã bàn giao được 15,63/19,97km nhưng mới tổ chức thi công được khoảng 5km. 

Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong - Ban QLDA7 cho biết, dự án cũng gặp khó khăn tương tự về mặt bằng khi tới nay dù các địa phương đã bàn giao 39,7/48,05km đạt 82,6% song thực tế nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 17,44/48,05km, đạt khoảng 36,3%.

 

"Mặt bằng được bàn giao rất ít nên chúng tôi không thể thi công theo tiến độ. Bên cạnh đó, việc giải ngân để đền bù cho dân thì cao nhưng việc chi trả còn chậm nên khi thi công người dân ra ngăn cản. Chúng tôi triển khai 16 mũi thi công nhưng hiện chỉ thực hiện được 7 mũiđại diện Ban QLDA7

Các vướng mắc do mặt bằng bàn giao không liên tục, "xôi đỗ", vướng mắc công trình hạ tầng kỹ thuật, khối lượng mồ mả chưa được di dời rất lớn đang là những rào cản lớn nhất về mặt bằng tại 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay.

Vướng mắc trong công tác GPMB đã và đang gây ra những đường găng của dự án do nhà thầu không thể thi công đường công vụ để tiếp cận công trường, tập kết nguyên, vật liệu thi công.

Các công trình có quy mô lớn như hầm, cầu… cũng như chưa có mặt bằng để tiến hành triển khai sớm, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tiến độ tổng thể chung của dự án, chưa tính đến điều kiện khí hậu, thiên tai, mưa lũ bất thường trên địa bàn.

Vấn đề vật liệu luôn là bài toán khó cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
Vấn đề vật liệu luôn là bài toán khó cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

Nhiều mỏ vật liệu nhưng vẫn thiếu

Một khó khăn lớn nữa tại 2 dự án cao tốc Bắc – Nam qua Phú Yên chính là vấn đề vật liệu. Theo phản ánh của các chủ đầu tư và đơn vị thi công, cả 2 dự án này đang thiếu nguồn cung vật liệu nghiêm trọng.

Trước đó, tỉnh Phú Yên đã cung cấp thông tin 41 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam.

Trong số 41 mỏ vật liệu này có 28 mỏ trong quy hoạch và 13 mỏ đã đươc cấp phép khai thác đang còn hiệu lực. Vậy đâu là nguyên nhân khiến vật liệu vẫn khan hiếm?

Đại diện Ban QLDA7 cho biết, nguyên nhân đầu tiên do công suất khai thác các mỏ vật liệu còn thấp. hiện nay công suất 4 mỏ cát đang khai thác chỉ 40.000m3/năm, trong khi đó khối lượng cần để sử dụng cho dự án rất lớn với nhu cầu lên tới 1,36 triệu m3.

Tình trạng thiếu vật liệu sẽ ngày càng khó khăn trong thời gian tới khi hạng mục xử lý nền đất yếu sẽ triển khai trong năm 2023 cần tới khoảng khoảng 800.000m3 cát.

Tương tự, các mỏ vật liệu được quy hoạch phục vụ dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thành đều là đất lâm nghiệp hoặc đất lúa khiến cho xử lý thủ tục thu hồi để khai thác mất nhiều thời gian. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ khai thác đất phục vụ dự án.

Công tác đền bù, GPMB tại cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên cũng đang gặp vướng mắc.
Công tác đền bù, GPMB tại cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên cũng đang gặp vướng mắc.

Nhà thầu phải mua vật liệu giá ngất ngưởng

Đặc biệt, giá vật liệu tại tỉnh Phú Yên đang ở mức cao bất thường khi giá bán cát, đất, đá đều cao hơn so với một số địa phương lân cận. Chưa dừng lại ở đó, giá vật liệu mà nhà thầu cao tốc Bắc - Nam phải mua thực tế cao chót vót so với giá niêm yết của các mỏ. 

Đơn cử như tại gói thầu XL-01 cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong. Đại diện nhà thầu cho biết, giá khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3 nhưng thực tế giá bán cho nhà thầu lên tới gần 300.000 đồng/m3, tức là cao hơn tới hơn 50% so với giá khảo sát.

Trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ GTVT với lãnh đạo tỉnh Phú Yên và sở, ngành địa phương này, diễn ra ngày 28/2 vừa qua, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, các mỏ mua sẵn hiện nay niêm yết bán theo giá công bố của cơ quan này.

 

Nếu tính cuối tháng 6 này đưa người dân vào ở các khu tái định cư sẽ khó vì có xây dựng hoàn thành các khu tái định cư này người dân cũng còn phải làm nhà nên cần đến phương án tạm cư cho người dân – đại diện Ban QLDA85

Thậm chí, vị lãnh đạo này còn khẳng định, vừa qua Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đã tiến hành kiểm tra và cho kết quả giá bán trên hóa đơn đều phù hợp với giá niêm yết. "Nếu có chứng cứ niêm yết một giá, bán một giá, đề nghị các nhà thầu báo ngay về Sở để xử lý" – lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên nói.

Về phía lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn thừa nhận giá bán vật liệu xây dựng thông thường hiện nay ở địa phương này đang ở mức cao dù trữ lượng không thiếu. Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, tình trạng giá vật liệu ở địa phương này cao đã tồn tại từ trước chứ không phải đến khi có dự án cao tốc Bắc – Nam mới xảy ra.

Để giải quyết vấn đề này, vừa qua UBND tỉnh Phú Yên đã cho thành lập đoàn thanh tra về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên khẳng định sẽ yêu cầu các sở, ngành chấn chỉnh, xử lý vấn đề giá cả vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cao hơn so với các tỉnh lân cận. “Tuần tới chúng tôi sẽ mời những người dân có mỏ vật liệu làm việc với các nhà thầu để thống nhất" – ông Tạ Anh Tuấn nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh Phú Yên sớm có giải pháp tháo gỡ vấn đề giá vật liệu quá cao ở địa phương này.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh Phú Yên sớm có giải pháp tháo gỡ vấn đề giá vật liệu quá cao ở địa phương này.

Liệu có lợi ích nhóm?

Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, sau 2 tháng khởi công, tiến độ GPMB của Phú Yên còn chậm, nhiều vị trí trọng yếu vẫn chưa thể triển khai. Một số nhà thầu đã tập trung máy móc thiết bị, nhân lực nhưng vẫn không có mặt bằng để thi công.

“Phú Yên phải đẩy nhanh việc chi trả đền bù cho dân, phải đảm bảo đến 30/6, bàn giao 100% mặt bằng để thi công. Về TĐC, nếu chưa đưa người dân về kịp trong các khu TĐC cần hỗ trợ tạm cư cho dân. Thật ra số liệu người dân bị ảnh hưởng chỗ ở như vậy là rất thấp, không khó để giải quyết"  - ông Nguyễn Văn Thắng đề nghị.

Về vấn đề vật liệu phục vụ cho 2 dự án cao tốc Bắc – Nam qua Phú Yên, Bộ trưởng Bộ GTVT đặt câu hỏi: “Vì sao giá vật liệu công bố ở Phú Yên cao hơn nhiều các địa phương khác? Đấy là chưa nói giá bên ngoài còn cao hơn nữa. Niêm yết 1 giá, nhưng khi bán thì giá cao hơn gấp đôi, gấp 3?”.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, để giải quyết vấn đề giá vật liệu quá cao ở Phú Yên, địa phương phải giữ vai trò trọng tài. Bởi hiện nay giá vật liệu được quyết định qua sự thỏa thuận giữa chủ mỏ vật liệu với nhà thầu nhưng muốn tránh tình trạng chủ mỏ găm hàng, thổi giá lên cao rất vần địa phương thể hiện vai trò “cầm trịch” của mình.

 "Khung giá có rồi, đồng ý lên 1,5 lần là quá rồi, chứ không thể lên gấp 3, 4, 5 lần. Những chỗ nâng giá là có vấn đề hết..." – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nói.

 

Một trong những vướng mắc lớn trong công tác GPMB ở Phú Yên hiện nay là ở khâu quy chủ cho diện tích đất bị thu hồi. Nhiều diện tích đất thuộc địa phương quản lý, nhưng người dân sản xuất trên đất đã lâu. Theo quy định, những diện tích này không được bồi thường, nhưng không bồi thường thì người dân không chấp nhận giao mặt bằng.