Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều gì khiến thượng đỉnh Moon-Kim trở thành cuộc hội đàm lịch sử

Nguyễn Phương (Theo Koreatimes)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà phân tích chính trị đánh giá, hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên là cuộc gặp lịch sử với nhiều nét khác biệt so với hai hội nghị thượng đỉnh trước đó.

Ngày 27/4 tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại làng Panmunjeom (Bàn Môn Điếm). Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua.
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại làng Panmunjeom ngày 27/4.
Hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần lượt trong năm 2000 và 2007 đều diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Tuy nhiên, cuộc gặp ngày 27/4 tới là lần đầu tiên thượng đỉnh liên Triều được tổ chức tại khu vực do Hàn Quốc kiểm soát ở làng Panmunjeom (Bàn Môn Điếm). Văn phòng tổng thống Hàn Quốc ngày 25/4 thông báo địa điểm họp là Tòa nhà Hòa bình do phía Hàn Quốc quản lý ở Bàn Môn Điếm, bên trong Khu vực phi quân sự (DMZ). Ngôi làng đình chiến này là một địa điểm chứa đựng những căng thẳng và cũng là biểu tượng cho thời kỳ lịch sử chia cắt hai miền Triều Tiên.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kim đến lãnh thổ Hàn Quốc. Trước đó, Kim Yo-jong, em gái Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đến thăm ngôi làng đình chiến này trong dịp tham dự Thế vận hội Mùa đông PyeongChang hồi tháng 2 tại Hàn Quốc. Trước đây, gia đình ông Kim chưa bao giờ sang thăm Seoul.
Không giống hai hội nghị thượng đỉnh trước đây, vấn đề trọng tâm của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới sẽ tập trung vào việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Với nỗ lực đạt mục tiêu an ninh trước tiên, Seoul không đưa lĩnh vực hợp tác kinh tế vào chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3. "Việc tăng cường hợp tác kinh tế chỉ có thể thực hiện được sau khi Triều Tiên thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa cùng với việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng", một quan chức giấu tên của Hàn Quốc cho biết hôm 24/4.
 Tòa nhà Hòa bình do phía Hàn Quốc quản lý ở Bàn Môn Điếm. 
Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất trong năm 2000 do cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-il tổ chức, hai bên đã thông qua một Tuyên bố chung ngày 15/6. Tuyên bố chung nhấn mạnh đến sự thống nhất hai miền Nam-Bắc, cũng như vấn đề nhân đạo. Sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh năm 2000, hai miền Triều Tiên bắt đầu xúc tiến thành lập Khu công nghiệp chung Gaeseong.
Kết thúc hội nghị liên Triều lần thứ hai, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ra Tuyên bố chung vào ngày 4/10/2007, phù hợp với những tuyên bố trước đó. Hai nhà lãnh đạo đồng ý mở rộng trao đổi về kinh tế và văn hóa, song vấn đề hạt nhân không được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán cấp cao liên Triều. Đến năm 2009, Triều Tiên rút khỏi vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên với sự tham gia của hai miền Triều Tiên cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ, để phản đối các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc.
Hội nghị thượng đỉnh Moon- Kim được dự báo ​​sẽ tạo bước đột phá quan trọng trong việc thiết lập nền hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tạo tiền đề cho thành công của cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Khác với hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong năm 2007, diễn ra vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Roh, cuộc gặp cấp cao sắp tới được tổ chức trong bối cảnh Tổng thống Moon vừa nhậm chức chưa đầy 1 năm. Để đảm bảo tính bền vững của thỏa thuận được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3, Tổng thống Moon cho biết ông sẽ đưa ra trình Quốc hội Hàn Quốc để thông qua kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Seoul đã lên kế hoạch thành lập một văn phòng liên lạc cố định tại biên giới hai miền Triều Tiên nhằm đảm bảo liên lạc thường xuyên giữa các quan chức hai nước.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Moon và Nhà lãnh đạo Kim đã có thể nói chuyện trực tiếp qua đường dây liên lạc nóng, được đưa vào hoạt động từ hôm 20/4. Theo thông báo của Nhà Xanh thông báo, đường dây liên lạc nóng được thiết lập giữa Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc do Tổng thống Moon Jae-in đứng đầu và Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên do nhà lãnh đạo Kim Jong Un đứng đầu.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn Bàn Môn Điếm làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh thể hiện quyết tâm thực hiện Chính sách Ánh dương của Tổng thống Moon đối với Triều Tiên.