Điều gì tạo nên sức hấp dẫn của VEAM?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 17/8 xác nhận, ngày 29/8 tới, Công ty mẹ - Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sẽ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 167 triệu cổ phần, tương đương với 12,57% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần.

Đợt chào bán cổ phiếu lớn trong năm 2016

Với giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần, giá trị vốn hóa của VEAM được định giá tương ứng lên tới 19.000 tỷ đồng, đưa đợt IPO của VEAM trở thành đợt IPO lớn nhất trong năm 2016.

Theo Phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm giữ 678 triệu cổ phần tại VEAM, chiếm 51% vốn điều lệ, bán ưu đãi cho người lao động 5,7 triệu đơn vị, chiếm 0,43% vốn, bán cho nhà đầu tư (NĐT) chiến lược là 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn và 167 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá ra công chúng, chiếm 12,57% vốn điều lệ. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ thu về ít nhất gần 2.400 tỷ đồng từ phiên đấu giá và gần 6.900 tỷ đồng từ các cổ đông chiến lược nếu mọi việc suôn sẻ.

Theo ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐTV VEAM, sau khi IPO, cổ phiếu của VEAM sẽ đăng ký giao dịch trên sàn Upcom trong vòng 90 ngày theo quy định và chính thức niêm yết tại một trong 2 sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn một năm.
Dây chuyền sản xuẩt tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1, thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt
Dây chuyền sản xuẩt tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1, thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt
Được thành lập năm 1990 với 12 nhà máy cơ khí từ năm 1995, VEAM đã trở thành một trong những DN Nhà nước dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh máy nông nghiệp ở trong nước và mở rộng xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực châu Á. Năm 2002, Tổng Công ty CPH các đơn vị thành viên và năm 2010 VEAM chuyển đổi mô hình hoạt động từ tổng công ty Nhà nước thành công ty mẹ - công ty con, trong đó công ty mẹ là Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước. Hiện nay, VEAM đang quản lý 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 11 công ty con, 9 công ty liên kết và 1 viện nghiên cứu. Hoạt động chính của VEAM là sản xuất, kinh doanh động cơ và máy nông nghiệp, ô tô - xe máy và công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, VEAM còn kinh doanh vận chuyển hàng hóa, khai thác và chế biến quặng sắt, mua bán vật tư, thiết bị, phụ tùng cơ khí.

Lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng và hứa hẹn còn tăng

Điểm hấp dẫn các NĐT đối với cổ phiếu của VEAM là DN này đang sở hữu 30% vốn tại liên doanh với Honda Việt Nam, 20% vốn tại liên doanh Toyota Việt Nam và sở hữu 25% vốn của Ford Việt Nam thông qua một công ty con mà VEAM đang sở hữu 100% vốn. Tổng vốn đầu tư vào 3 đơn vị này ban đầu chỉ là 558 tỷ đồng, song đến cuối năm 2014 đã tăng lên gần 8.400 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần. Chưa kể, hàng chục năm qua, các liên doanh này đã trả cho VEAM cả chục ngàn tỷ đồng cổ tức.

Đồng thời, giống như nhiều phiên IPO của các DN Nhà nước lớn khác, VEAM cũng sở hữu quỹ đất rộng lớn hàng trăm nghìn mét vuông ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước dưới hình thức thuê đất từ vài chục năm đến vĩnh viễn. Ngoài lợi thế trên, VEAM cũng có một số thế mạnh về các sản phẩm phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp. Dự kiến năm 2020, cơ giới hóa nông nghiệp đạt ít nhất 70%. Đây là động lực tiêu thụ sản phẩm của Tổng Công ty.

Trong báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2014, VEAM đạt 3.325 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, năm 2013 là 2.354 tỷ đồng. Năm 2015, riêng công ty mẹ VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 3.366 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sau IPO, VEAM đặt mục tiêu doanh thu 5.715 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ công ty liên kết tăng lên 3.700 tỷ đồng trong năm 2016. Lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần