Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không "giật cục"

Hoa Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 500/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt từ 12 - 13%.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt từ 12 - 13%.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong 9 tháng năm 2024 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta tính chung đã đạt mức 6,82% (riêng Quý III/2024 đạt 7,4% so với cùng kỳ), dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong các tháng cuối năm dự kiến có thể tăng từ 11 - 13%, cao hơn mức 9% kế hoạch dự báo. 

Trong bối cảnh các nguồn điện không có nhiều thay đổi nhưng rút kinh nghiệm năm 2023, công tác chuẩn bị được thực hiện từ sớm, từ xa, công tác điều hành đã tốt hơn, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, không để xảy ra thiếu điện. Qua đó, thực hiện đúng cam kết đề ra, không để thiếu điện tại miền Bắc trong giai đoạn mùa khô năm 2024 vừa qua. 

Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần trách nhiệm của các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả trên.

Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức thi công thần tốc, hoàn thành công trình đường dây 500kV mạch 3 sau hơn 7 tháng, góp phần nâng cao công suất truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc và đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các tháng cuối năm 2024.

Năm 2025, tăng trưởng điện phải đạt từ 12-13%

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt từ 12 - 13%. Theo báo cáo, dự kiến tổng công suất cần tăng thêm đáp ứng nhu cầu khoảng 2.297 MW. Do đó, với kinh nghiệm điều hành trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhất định không để thiếu điện cho năm 2025, trong đó, đề nghị triển khai các giải pháp để bảo đảm bù đắp tổng công suất thiếu hụt.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển khai có hiệu quả Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Bộ Công Thương nghiên cứu thúc đẩy việc mua điện từ Lào, thống nhất với bạn mua cho cả giai đoạn 5 năm và điều chỉnh giá điện nhập khẩu phù hợp. Bên cạnh đó, cũng xem xét khả năng tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc để bổ sung điện cho hệ thống nếu cần.

Giá điện phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và mức chi trả của người dân

Đối với giai đoạn 2026 - 2030, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty liên quan trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng điện khoảng 12-15% mỗi năm xây dựng các kịch bản về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu nhất định không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cho cả giai đoạn từ nay đến 2030, vừa đảm bảo cho tăng trưởng, vừa thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó giá điện phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và mức chi trả của người dân.

Bộ Công Thương cần nghiên cứu để chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, đa dạng hóa các nguồn điện, trong đó có nghiên cứu và thực hiện xây dựng phát triển điện hạt nhân, chú trọng phát triển nguồn điện sạch góp phần chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn như điện mặt trời mái nhà, điện gió, điện rác...

Đối với nguồn thủy điện, cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch điều tiết lưu lượng nước hài hòa, khoa học, bảo đảm tưới tiêu nhưng tinh thần là phải tích nước cho phát điện và mùa khô ở miền Bắc.

Đối với điện khí, đề nghị tính toán giá điện phù hợp, sát với thị trường và tình hình của đất nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo động lực và hiệu quả đầu tư để nhà đầu tư có thể tham gia.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không "giật cục"; ngành điện đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí….. giá điện phải phù hợp nền kinh tế, có sự điều tiết của Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô. 

Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) 

Bộ Công Thương với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, tiếp tục chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 5/9/2024, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) giải quyết những vấn đề vướng mắc như cam kết về sản lượng (Qc), chuyển ngang giá khí, theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề lớn có nhiều vướng mắc, còn những vấn đề cụ thể, nhiều biến động, cần giao Chính phủ quy định như giá điện, tiêu chuẩn kỹ thuật...

Việc sửa luật cần cập nhật đầy đủ các nội dung vướng mắc hiện nay, với tinh thần mở ra không gian để phát triển nhưng phải quản lý được, thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, xóa cơ chế quan liêu, bao cấp, cơ chế "xin cho", cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép "con" để giảm chi phí tuân thủ; bổ sung các nội hàm về phát triển điện gió, điện hạt nhân, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo có kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện nền có quy mô công suất lớn ở miền Bắc như: triển khai sớm các dự án nhà máy LNG Nghi Sơn - Thanh Hóa (1.500 MW), LNG Quỳnh Lập - Nghệ An (1.500 MW); phấn đấu khởi công trong Quý II năm 2025 và hoàn thành đóng điện trong năm 2027 các dự án đã có chủ đầu tư: LNG Quảng Ninh (1.500 MW), LNG Thái Bình (1.500 MW); khẩn trương hoàn thành dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480MW), Quảng Trạch I (EVN- 1403MW), Na Dương II (TKV-110MW),...

Bộ Công Thương rà soát các dự án có trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhưng chưa giao chủ đầu tư, chỉ đạo các địa phương khẩn trương có tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và có kế hoạch triển khai để bảo đảm tiến độ đề ra.

Bộ Công Thương khẩn trương rà soát để xem xét điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó lưu ý triển khai quy hoạch nguồn điện gió ngoài khơi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.