Điều hành giá xăng dầu: Cân đối lợi ích quốc gia và lợi ích người dân

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước ý kiến tiếp tục giảm thuế để hạ giá xăng dầu trong nước, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, đây không phải giải pháp mang tính bền vững, ngược lại còn đi ngược với quy luật của nền kinh tế thị trường.

Giá xăng dầu tăng - thuế có phải “tội đồ”?

Từ chiều 1/6, giá xăng bán lẻ trong nước đã lập kỷ lục mới, vượt 31.000 đồng/lít xăng RON 95. Giá xăng sinh học E5 RON 92 cũng tăng lên mức 30.230 đồng/lít. Đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp của xăng chưa đầy 2 tháng. Giá xăng dầu trong nước tiếp tục phá kỷ lục. Việc xăng dầu tăng giá quá cao đang đặt ra lo ngại hiệu ứng domino tới các mặt hàng khác.

Điều hành giá xăng dầu phải theo quy luật kinh tế thị trường. Ảnh minh họa
Điều hành giá xăng dầu phải theo quy luật kinh tế thị trường. Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sở dĩ như vậy là do diễn biến giá thế giới trước ngày điều hành luôn tăng cao. Thị trường đang chịu ảnh hưởng từ việc các nước châu Âu cấm vận đối với sản phẩm xăng, dầu từ Nga. Trong khi đó, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19 ở Thượng Hải từ ngày 1/6 khiến cầu xăng, dầu tăng mạnh. Các yếu tố này đã đẩy giá mặt hàng xăng, dầu tăng cao so với kỳ điều hành trước.

 

Trong lúc này, để kiểm soát giá xăng dầu, một mặt phải dùng các công cụ, bao gồm cả thuế phí, tăng cường kiểm soát thị trường để giảm giá. Còn trường hợp giá tiếp tục tăng thì dùng chính sách an sinh, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Có như vậy mới hài hòa cả trong lẫn ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Để hạ nhiệt giá xăng, kể từ ngày 1/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 50% thuế môi trường với xăng, dầu. Tương đương mức giảm 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Tuy nhiên với đà tăng giá của thế giới thì việc giảm thuế này được đánh giá như muối bỏ bể.

Về việc gánh nặng thuế phí đối với giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tỷ trọng thuế trong mỗi lít xăng ở nhiều nước là 45 - 60%, còn tại Việt Nam khoảng 28 - 31%. Cụ thể, xăng RON 92 với giá nhập khẩu khoảng 22.000 đồng/lít, tiền thuế là 8.000 đồng/lít, tương đương 28%. Cơ cấu thuế trong mỗi lít xăng hiện còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT… các loại thuế này thuộc thẩm quyền quyết định ở Quốc hội.

“Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, mỗi năm sản xuất được hơn 8 triệu thùng dầu thô. Giá dầu thô tăng cũng bù đắp ngân sách được một phần, nhưng chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa, nên khi giảm thuế sẽ phải cắt giảm các khoản chi, trong khi chính sách tài khóa đã được duyệt. Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc giảm thêm thuế với mặt hàng xăng dầu” - Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.

Nên điều hành theo cơ chế thị trường

Trước ý kiến tiếp tục dùng công cụ thuế để hạ giá xăng dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm, chúng ra đã chấp nhận theo kinh tế thị trường thì giá xăng dầu trong nước cũng phải điều hành theo quy luật của kinh tế thị trường, không nên hành chính quá mức. Nếu Quốc hội xem xét có thể hạ thuế để giảm giá xăng dầu đảm bảo an sinh xã hội là rất tốt, tuy nhiên cần cân đối hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của người dân, DN.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, thời gian qua, để hỗ trợ người dân, DN phục hồi kinh tế, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, gói hỗ trợ an sinh. Hiện nay nền kinh tế của nước ta có độ mở rất cao, hàng hóa làm ra chủ yếu để xuất khẩu. Nếu ép giá đầu vào để giảm giá thành sản phẩm sẽ không phản ánh đúng giá trị thực tế; vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước. Trong khi đối tác thương mại của Việt Nam là rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nếu “ép giá” đầu vào thì có thể bị khởi kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí thao túng tiền tệ. Ngoài ra, vấn đề hạ giá xăng dầu còn liên quan tới buôn lậu qua biên giới. Do vậy, phải cân nhắc và tính toán rất kỹ chứ không thể một chiều.

Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra ý kiến, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, đồng nghĩa với việc những nguyên liệu phụ thuộc ở nước ngoài chúng ta phải theo dòng chảy, tác động của nước ngoài như thép, phôi thép, xăng dầu... Ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá… thì vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho DN. Bên cạnh đó là tái cơ cấu, tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước. Có như vậy chúng ta mới tạo ra được sản phẩm, nâng cao được mức thu nhập của người dân và DN, qua đó sẽ có sức mạnh chống lạm phát. Việc giảm thuế xăng dầu chỉ là một trong nhiều giải pháp.

 

Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay, việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm xăng, dầu trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt là vấn đề hết sức thiết thực. Về lâu dài, phải làm sao đưa nền sản xuất trong nước lên trình độ mới tiết kiệm năng lượng, phát triển kinh tế xanh, đa dạng hóa nguồn cung phát triển năng lượng khác thay thế xăng, dầu. Các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần quan tâm chỉ tiêu hao xăng, dầu trong quá trình sản xuất, lưu thông vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Đây cần được coi là một nội dung của việc tổ chức, xắp xếp lại sản xuất.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh