Gây áp lực lên CPINhìn lại vài kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, trong nước do lo ngại tăng giá xăng dầu vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ khiến mặt bằng giá cả hàng hóa tăng theo làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Nhân dân và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều hành đã quyết định cho xả Quỹ bình ổn và giữ ổn định giá xăng dầu (2 kỳ điều hành trước và 2 kỳ điều hành sau Tết Nguyên đán). Ngay kỳ điều hành giá sau Rằm tháng Giêng (3/3/2019), giá cả các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong nước đã dần đi vào ổn định, khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng cao, Bộ Công Thương đã quyết định tăng giá xăng lên 934 đồng/lít nhằm phục hồi Quỹ bình ổn sau 4 lần giữ ổn định giá xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn, ngày 17/4, giá xăng E5RON92 tăng 1.115377 đồng/lít; xăng RON95-III: tăng 1.202 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: tăng 297 đồng/lít; dầu hỏa: tăng 291 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 407 đồng/kg. Đây là lần thứ 2 liên tiếp giá xăng dầu tăng mạnh sau nhiều lần xả Quỹ bình ổn để giữ giá. Tổng mức tăng giá vào khoảng 2.500 đồng/lít... và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến CPI tháng 4 bởi cách điều hành giật cục. |
Trước áp lực giá điện tăng 8,36% vào cuối tháng 3, kỳ điều hành ngày 18/3/2019 Bộ Công Thương đã quyết định giữ ổn định giá xăng dầu và cho xả Quỹ bình ổn mức kỷ lục tới 2.800 đồng /lít với xăng E5RON92 là 2.801 đồng/lít; Xăng RON95 2.061 đồng/lít làm Quỹ bình ổn hầu hết DN đầu mối bị âm nặng nề, có DN âm đến vài trăm tỷ đồng... dẫn đến mặt hàng xăng Ron 95 thiếu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội. Việc giữ giá xăng dầu, xả quỹ kỷ lục, tăng giá điện nhưng CPI tháng 3 vẫn âm 0,21% so với tháng 2/2019 là lãng phí tiền Quỹ bình ổn của người dân đóng góp, do sử dụng mức xả quỹ và thời điểm không thích hợp.
Một số chuyên gia phân tích, kỳ điều hành giá xăng dầu 18/3/2019 Bộ Công Thương (tham mưu và đề xuất với Chính Phủ) đã bỏ lỡ cơ hội điều chỉnh tăng giá xăng dầu, vì nếu có điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào thời điểm đó và tăng giá điện vào cuối tháng 3 thì giá cả 2 mặt hàng này tác động trực tiếp vào CPI tháng 3 cũng không đáng kể, giảm tải áp lực lạm phát của 2 hai mặt hàng này cho tháng 4 (CPI) và tiếp bổ sung nguồn cho Quỹ bình ổn xăng dầu.
Theo Tổng cục thống kê, kỳ lấy giá của tháng để tính CPI vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng, nếu như vậy thì có thể điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào 18/3/2019, giá điện điều chỉnh vào sau ngày lấy giá tính CPI 21/3/2019 (có thể điều chỉnh giá vào 30/3/2019 sẽ giảm thiểu thêm lạm phát kỳ vọng) và kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/4/2019 có thể giữ ổn định giá xăng dầu để tránh lạm phát kỳ vọng do vừa tăng giá điện cuối tháng 3, vừa tránh áp lực tăng lạm phát cho kỳ điều hành ngày 17/3/2019 phải tăng giá xăng dầu. Như vậy, kịch bản trên sẽ không làm tăng giật cục mà trải đều cho 3 kỳ điều hành, vừa không gây áp lực lạm phát cho tháng 4 nói chung và kỳ điều hành ngày 17/4/2019 nói riêng, vừa không làm âm Quỹ bình ổn gây thiệt hại cho DN, vừa đảm bảo hàng hóa không thiếu cục bộ, nhất là vào thời điểm ngày 24/2/2019 nhà máy Nghi Sơn bị sự cố đến 28/3/2019 mới ổn định tiếp tục cung sản phẩm xăng dầu ra thị trường. Chuyên gia nhận định: “Cần có chuyên môn sâu và tầm nhìn chiến lược về ngành mới có thể làm tốt công tác điều hành, quản lý. Điều hành xăng dầu là cả nghệ thuật, điều hành kiểu "ăn đong" từng kỳ ngắn hạn thì sẽ gây ra giật cục”.
Nên bỏ Quỹ bình ổn vào thời điểm nàoThực tế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là do người tiêu dùng đóng góp, được cấu thành trong giá bán. Bộ Tài Chính quy định các DN đầu mối phải mở riêng một tài khoản cho Quỹ bình ổn ở ngân hàng và theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. DN phải thông báo cho Bộ Tài chính số tài khoản, hàng quý ngân hàng thông báo cho Bộ Tài chính về số tiền trích lập quỹ của DN và DN không được phép sử dụng quỹ này khi chưa có thông báo chi sử dụng quỹ của Liên Bộ Công Thương – Tài chính... Như vậy, khi quỹ dương thì DN cũng không được lợi gì ở quỹ, ngược lại khi quỹ âm thì DN lỗ thật, tự bỏ tiền của mình ra tạm ứng vốn để bù vào mức được xả quỹ (hoặc vay ngân hàng với lãi suất kinh doanh hoặc sử dụng vốn tự có của DN). Do vậy, việc cân nhắc xả quỹ với thời điểm, lưu lượng xả như thế nào là rất quan trọng trong công tác điều hành, vừa hài hòa các mục tiêu kinh tế của Chính phủ, người tiêu dùng và DN.
Hiện Nhà máy Dung Quất đã có hơn 10 năm vận hành ổn định, Nhà máy Nghi Sơn sau một thời gian không lâu nữa (khoảng cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020) sẽ vận hành ổn định thì những sản phẩm xăng dầu của 2 nhà máy này, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước (khoảng 80%) lúc đó giá xăng dầu trong nước có thể vận hành theo cơ chế thị trường. Đến lúc đó nên chăng bỏ Quỹ bình ổn giá và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sau hơn 5 năm thực hiện sẽ hoàn thành sứ mệnh tạo nên một thị trường cạnh tranh.