Tính chung cả năm 2012, tỷ giá USD giảm 0,96%, sau 4 năm tăng liên tục (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, năm 2010 tăng 9,68%, năm 2011 tăng 2,24%).
Sự giảm xuống của tỷ giá USD trong năm 2012 lại diễn ra trong điều kiện đáng chú ý. Thứ nhất, các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước đã mua một lượng ngoại tệ khá lớn lên đến hàng chục tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, nhưng không làm tỷ giá USD trên thị trường tăng lên theo.
Thứ hai, năm 2012, giá vàng trong nước liên tục cao hơn giá vàng thế giới hàng triệu đồng/lượng nhưng không xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Do đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do thường xuyên ngang bằng, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn cả tỷ giá USD trên thị trường chính thức. Trong khi, theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2012, xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 501,5 triệu USD, giảm 80,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu 302,3 triệu USD, giảm 86,3%; xuất siêu 199,2 triệu USD.
Lượng ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam năm 2012 đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2012 tuy sụt giảm về lượng vốn đăng ký, nhưng lượng vốn thực hiện khoảng 12,2 tỷ USD, đạt đỉnh cao nhất so với mức thực hiện trong các năm trước. Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đạt cao nhất từ trước đến nay.
Những năm trước, nhập siêu ở mức khá cao (năm 2007 là 14,2 tỷ USD, năm 2008 là 18 tỷ USD, năm 2009 là 12,9 tỷ USD, năm 2010 là 12,6 tỷ USD, năm 2011 là 9,8 tỷ USD), thì năm 2012 đã xuất siêu 780 triệu USD (theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan). Lượng kiều hối gửi về nước năm 2012 dự báo có thể đạt trên 10 tỷ USD, cao hơn nhiều mức kỷ lục 9 tỷ USD đã đạt vào năm trước. Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm nay đạt 6,6 tỷ USD, tăng trên 1 tỷ USD so với mức kỷ lục của năm 2011...
Một nguyên nhân quan trọng khác là do lạm phát năm nay được kiềm chế ở mức thấp chưa bằng một nửa so với năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra, nên tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân và trong các doanh nghiệp ít hơn, tình trạng Đô la hóa cũng được kiềm chế, giảm áp lực đối với tỷ giá. Lãi suất tiết kiệm bằng VND tuy đã được giảm xuống nhanh và thấp chỉ bằng hai phần ba mức trước đây, nhưng vẫn cao hơn nhiều lần so với lãi suất gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ nên người dân tích cực bán ngoại tệ, chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND.
Sự giảm xuống của tỷ giá USD cũng còn do yếu tố đầu tư, sản xuất và tiêu dùng năm 2012 bị “co lại”.
Có một yếu tố mà ít người đề cập đến, đó là “cánh kéo tỷ giá” giữa tỷ giá hối đoái và tỷ tỷ giá sức mua tương đương còn lớn (khoảng 3 lần, tức là một USD tại Việt Nam có sức mua tương đương với khoảng 3 USD tại Mỹ). Khi cánh kéo tỷ giá còn chênh lệch lớn thì tốc độ tăng tỷ giá VND/USD sẽ chậm lại, thậm chí còn giảm.
Diễn biến giá USD qua các tháng trong năm 2012
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Năm 2013 theo mục tiêu kế hoạch, nhập siêu sẽ trở lại ở mức 8% tổng kim ngạch xuất khẩu (tương đương với 10 tỷ USD), làm cho cán cân thương mại, cán cân vãng lai, cán cân tổng thể sẽ khó đạt được mức thặng dư cao như năm 2012. Để hạn chế nhập siêu, bên cạnh các giải pháp khác, một trong những giải pháp thường được sử dụng là tăng tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Nhưng không vì thế mà tăng mạnh tỷ giá, bởi như vậy sẽ làm tăng nợ và tăng trả nợ tính bằng VND; tỷ giá nhập khẩu tính bằng USD sẽ tăng kép, làm “nhập khẩu lạm phát” và “khuếch đại” lạm phát ở trong nước, làm tăng sức ép đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát...
Để tăng trưởng kinh tế cao hơn, cần phải có nhiều vốn đầu tư. Việc khai thác nguồn lực bằng ngoại tệ của dân cư và doanh nghiệp sẽ góp phần tạo vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, hạn chế việc dồn tiền để găm giữ ngoại tệ; đồng thời cũng góp phần giảm dần tình trạng Đô la hoá...
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo : “Điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam”.
Sự điều chỉnh linh hoạt này có thể được hiểu như sau: khi cung ngoại tệ trên thị trường tăng và cao hơn cầu, tỷ giá ngoại tệ giảm (ở mức thấp hơn biên độ giao dịch), thì Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh việc mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
Khi cầu ngoại tệ trên thị trường cao hơn cung, gây áp lực làm cho tỷ giá tăng (ở mức cao hơn biên độ giao dịch), thì Ngân hàng Nhà nước cần bán ra ngoại tệ để can thiệp thị trường…Phương thức điều hành tỷ giá tránh “giật cục”, mà thông qua việc tăng, giảm với mức nhỏ tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.