Điều ít biết về tác giả bài thơ

Nhà văn Trần Thị Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nửa đêm, biển mệt nhoài vì suốt ngày ầm ĩ…” - lời bài hát cứ văng vẳng bên tai bao thế hệ 7x, 8x; nhưng ít ai để ý số phận của bài hát được phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Bài thơ vừa được in và giới thiệu lại trong tập “Những con sóng” của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, ra mắt vào cuối tháng 4/2021.

Bìa tập thơ “Những con sóng” của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát mới được ra mắt vào tháng 4/2021.
Những bài thơ đi cùng năm tháng

Từ năm 1994 đến khi lâm bệnh qua đời, ca sĩ Ngọc Tân - một giọng ca vàng của Việt Nam luôn tổ chức những chương trình ca nhạc rất đắt khách. 10 năm ấy, mỗi năm Ngọc Tân đứng trên sân khấu chừng 10 liveshow, và show nào Ngọc Tân cũng chọn hát bài “Biển đêm” để hát. Ca sĩ Ngọc Tân cho rằng bài “Biển đêm” nói hộ lòng anh: “Biển, biển ơi nơi xa vời em có biết chăng/ Anh gọi em cồn cào tiếng sóng/ Nếu nơi ấy em thấy lòng xao động/ Là tình anh vang vọng ngóng em… ”. Không chỉ Ngọc Tân thích mà công chúng yêu âm nhạc đã coi đó là bài ca đi cùng năm tháng. Nhưng ít ai biết, bài hát đó được phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, một người đến nay công chúng vẫn quen với cái tên như nhà biên kịch, hay từng qua các chức vụ Cục trưởng Cục Điện ảnh rồi Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh. Không chỉ có bài thơ “Biển đêm”, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát còn có vài trăm bài in trong các tập: Trái cam vàng; Thơm hương mái tóc; Nhớ và khát; Ngôi nhà sau cơn bão; Bài ca số phận; Thơ tình chọn lọc; Cỏ thơm mây trắng và bây giờ là Những con sóng.

Có thể nói Nguyễn Thị Hồng Ngát là người của thi ca, 8 tập thơ đã ra đời, và tập đầu tiên in khi chị mới 23 tuổi. Dường như cứ 2 năm một lần, Nguyễn Thị Hồng Ngát lại ra tập, riêng 1990 ra 2 tập. Thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát chân thật, giản dị, nghĩ sao viết thế, là tiếng nói tâm hồn của người đàn bà chân chất và nhân hậu. “Biển đêm” hay “Viết cho con” là những ví dụ, nhà thơ viết về tâm trạng của chính mình. Trong tập “Những con sóng” mới ra, vẫn cách viết chân thật, tình cảm ấy cũng vẫn nhiều khao khát ấy nhưng chất thiền đã xen vào, đã điềm tĩnh và chín hơn. Tôi thực sự xúc động với bài “Trả duyên” “Hôm anh mất em không thể khóc/ Bảy năm đầu đời bên nhau em đã khóc hết rồi/ Ba mặt con ra đời…/ trong cay đắng/ 36 năm ta đã không đi cùng nhau/ Mỗi người mỗi ngả/ Xa- đã quá xa/… Ai nỡ giận một người đã khuất/ Cho dù khi sống anh luôn thay mặt đổi màu/ Thôi, anh về với lòng đất sâu/ Ba nén hương thơm/ Vĩnh biệt/ Xin trả lại duyên tình đã hết/ Thảnh thơi xin anh hãy thảnh thơi.”. Tôi nghĩ, chỉ một bài thơ này thôi chúng ta đã hiểu cuộc đời của chị, của một nhà thơ, một người vợ, người mẹ đã phải đối mắt với những thử thách nào. Và chị đã vượt qua, đã xót thương và nhân hậu thế nào với quá khứ.

Người có duyên với điện ảnh

Nguyễn Thị Hồng Ngát sinh ở Văn Giang, Hưng Yên, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng Kinh Bắc. Cả vùng hầu như ai cũng biết hát, nhưng Hồng Ngát có giọng hát khá đặc biệt, 15 tuổi, chị đã được tuyển vào học tại trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương. Không chỉ là một diễn viên hát xinh đẹp, chị còn làm biên kịch tại Nhà hát chèo Trung ương. Song song với thơ, Nguyễn Thị Hồng Ngát còn là nhà biên kịch điện ảnh. Chị được học bổng du học tại Nga (Liên Xô cũ). Số phận run rủi, trường chị được gửi đi không có khoa biên kịch sân khấu, chị chuyển sang học Biên kịch điện ảnh, và là người của điện ảnh từ đó (1982). Một năm học tiếng Nga (1981), 5 năm học chuyên môn với sự chăm chỉ và thông minh, Nguyễn Thị Hồng Ngát đã tốt nghiệp loại ưu của ngôi trường danh tiếng này. Cả khóa học có 2 kịch bản phim được Hội đồng coi là xuất sắc. Đó là của Alecxandre Sebsob (mà chị vẫn gọi là Sasa Seb-sop) được Mosfilm chọn sản xuất và của Nguyễn Thị Hồng Ngát được chọn cho Hãng phim truyện Việt Nam. Kịch bản có tên gốc là “Sẽ tới một mùa mưa” sau khi lên phim đổi thành “Một thời đã sống”. Ngoài ra, Nguyễn Thị Hồng Ngát đã có những kịch bản phim truyện như: “Canh Bạc”, “Dã tràng xe cát biển đông”, “Cha tôi và 2 người đàn bà” (dựa trên truyện ngắn của Ma Văn Kháng); “Trăng trên đất khách” “Nhìn ra biển cả”… để lại dấu ấn trong nghệ thuật thứ bảy của Việt Nam.

Nguyễn Thị Hồng Ngát qua rất nhiều biến cố cuộc đời, đang bước vào cái tuổi ngoài 75. Bạn bè và đồng nghiệp có cả quãng thời gian gắn bó và hiểu chị như tôi có thể cảm nhận, Nguyễn Thị Hồng Ngát là người của hy vọng, của phía trước, và trong đời sống chị biết chắt chiu hạnh phúc mà chị có được, biết buông bỏ những gì đã làm chị khổ đau, vẫn luôn tin ở con người. Tôi nghĩ, tâm hồn phải thế nào, con người mới có được niềm tin đó.