Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điêu khắc Nhân Hiền phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều đời nay, người dân thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín đã gắn bó với nghề điêu khắc truyền thống của địa phương.

Với họ, đây không chỉ là công việc để kiếm sống, mà còn là trách nhiệm với những giá trị được cha ông truyền lại, là cách để lưu giữ những tinh hoa trong nghệ thuật điêu khắc cho muôn đời sau.

Nhộn nhịp làng nghề

Về Nhân Hiền, chúng tôi cảm nhận rõ làng quê đang trên đà phát triển. Khắp mọi nẻo, đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Dọc hai bên đường, những súc gỗ được xếp ngay gắn, gọn gàng. Tiếng đục đẽo, tiếng cưa máy càng làm cho không khí sản xuất nơi đây trở nên sôi động. Chẳng biết nghề điêu khắc đã xuất hiện ở đây từ khi nào, nhưng theo các bậc cao niên trong làng kể lại thì vào triều Lý, những thợ mộc tài hoa của làng từng được mời tham gia xây dựng kinh thành Thăng Long. Đến đầu thế kỷ XIX, những nghệ nhân của làng lại được mời về xây dựng kinh thành Huế… Qua đó, đủ khẳng định được tay nghề của người thợ nơi đây nổi tiếng như thế nào. Ngày nay, phát huy truyền thống của cha ông, những người kế nghiệp đã phát triển nghề mạnh mẽ và giúp tiếng thơm của làng không chỉ ở trong nước.
Một công nhân làm việc tại xưởng mộc nhà ông Trúc.
Một công nhân làm việc tại xưởng mộc nhà ông Trúc.
Ông Nguyễn Văn Trúc - một nghệ nhân có tiếng của làng cho biết, hiện trong thôn có hơn 500 hộ dân thì có trên 80% hộ làm nghề. Toàn thôn có khoảng hơn 10 xưởng sản xuất với quy mô lớn, còn đa phần người dân làm nghề theo hình thức hộ gia đình. Những sản phẩm chủ yếu của làng là tượng Phật, lọ lục bình, bàn cờ, con giống…, tất cả đều được chạm khắc công phu, tỉ mỉ bằng đôi tay khéo léo và tâm huyết của người thợ nơi đây. Không chỉ có đàn ông làm nghề, phụ nữ cũng tham gia các công đoạn đục đẽo, chạm trổ. Thường thì nam giới chịu trách nhiệm phần tạo khối, đục thô, chị em phụ nữ sẽ đảm nhận phần gọt giũa, cắt tỉa, làm đẹp. Mỗi tác phẩm tạo ra luôn đạt đến độ tinh xảo và được ví như một kiệt tác nghệ thuật. Những năm gần đây, với sự sáng tạo, người thợ điêu khắc Nhân Hiền đã đưa thêm nguyên liệu đá vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm điêu khắc đá đặc sắc. Sản phẩm là những vật trưng bày như tượng chân dung, tượng Phật, đèn đá, lư hương, chân nến… Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, sản phẩm của làng còn được xuất bán ra nước ngoài như Mỹ, Nhật, Pháp… mang lại doanh thu lớn cho địa phương.

Chú trọng truyền nghề

Chủ tịch UBND xã Hiền Giang Vũ Ngọc Hiểu cho biết: “Thôn Nhân Hiền là bộ mặt tiêu biểu của xã về phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội. Hàng năm, doanh thu từ làng nghề mang lại trên 50 tỷ đồng”. Làng nghề phát triển còn kéo theo các phong trào của địa phương như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới… Cũng nhờ có nghề đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Trước thực tế hiện nay nhiều làng nghề truyền thống đang có nguy cơ thiếu nguồn nhân lực, nhất là lao động trẻ để truyền và giữ nghề, xã Hiền Giang luôn chú trọng tới công tác đào tạo và truyền nghề cho lớp trẻ. Đây chính là một trong những điều làm nên sự phát triển bền vững của làng nghề điêu khắc Nhân Hiền. Hàng năm, những nghệ nhân của làng tổ chức các lớp truyền nghề, đào tạo nâng cao tay nghề cho lớp thợ trẻ của làng. Đã có không ít tay thợ tạo lập được sự nghiệp vững chắc sau khi học nghề, mà anh Hoàng Anh Tuấn là một điển hình: Sau khi học nghề thành thạo, anh Tuấn đã đứng ra mở xưởng. Đến nay, xưởng của anh đã có nhiều hợp đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương. Để bảo vệ môi trường làng nghề, chính quyền địa phương luôn quan tâm tới công tác tuyên truyền. Nhờ đó, môi trường làng nghề luôn được đảm bảo. Hiện nay, mong muốn lớn nhất của người làm nghề cũng như chính quyền xã Hiền Giang là sớm có điểm công nghiệp làng nghề để người dân yên tâm phát triển nghề bền vững nhằm giữ gìn những tinh hoa trong nghệ thuật điêu khắc của dân tộc.